A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kịch của Lưu Quang Vũ “hâm nóng” sân khấu

Những vở diễn lưu danh tên tuổi kịch gia Lưu Quang Vũ trong làng sân khấu Việt Nam được các thế hệ nghệ sĩ hôm nay dàn dựng với phong cách mới mẻ, góp phần tô đậm giá trị về “nhân tình thế thái” mà tác giả đề cập trong mỗi tác phẩm.

 Vở "Bệnh sĩ" với sự hóa thân của NSƯT Xuân Bắc hứa hẹn mang lại nhiều thú vị cho khán giả với tác phẩm nối tiếng của Lưu Quang Vũ.

“Bệnh sĩ”, “Người tốt nhà số 5”, “Người trong cõi nhớ”, “Nguồn sáng trong đời” là những vở diễn được Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn tới khán giả trong chương trình nghệ thuật “Thói đời” – Lưu Quang Vũ: Lăng kính, sân khấu và cuộc đời”, nhân kỷ niệm 75 năm ngày sinh (1948 – 2023) và 35 năm ngày mất (1988 – 2023) tác giả Lưu Quang Vũ.

Chương trình nghệ thuật mở màn bằng vở diễn “Bệnh sĩ”, diễn ra vào 20 giờ ngày 22-7 và kéo dài với các suất diễn cho 4 vở đến hết ngày 30-8, tại Nhà hát Kịch Việt Nam (số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

“Chương trình hy vọng góp sức “hâm nóng” sân khấu, là nơi thể hiện sự tổng hòa trong tư duy nghệ thuật của ông: Không chỉ tạo ra được những tấm kính phẳng để phản ánh cuộc sống cho chúng ta soi chiếu mà còn tạo ra những viên ngọc để thời nào cũng trong, cũng sáng. Những viên ngọc ấy là cái thiện, cái đẹp, cái khát vọng vươn đến sự nhân văn cao cả. Chương trình không chỉ là dịp tri ân những đóng góp của Lưu Quang Vũ với nền sân khấu nước nhà, đây còn là nơi tái hiện lại không gian Nghệ thuật Lưu Quang Vũ, từ đó truyền tải những giá trị đạo đức và triết lý nhân sinh sâu sắc tới khán giả Thủ đô”, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Kiều Minh Hiếu, Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho hay.

4 vở diễn là 4 góc nhìn xã hội khác nhau, mang tới những chiêm nghiệm rõ nhất về những giá trị mà Lưu Quang Vũ để lại: “Bệnh sĩ” - Vở kịch kể về ông chủ tịch xã Toàn Nha và những xã viên của xã Hùng Tâm. Họ đều là những người dân hiền lành, chân chất, thật thà, nhưng vì tính háo danh, tính “sĩ” mà ai cũng cố gắng phấn đấu cho mình có một cái mác thật sang trọng và hiện đại.

Cảnh trong vở diễn "Người tốt nhà số 5". 

“Người tốt nhà số 5” kể về nhân vật Hiệp và những gia đình chung sống trong một căn nhà. Ngôi nhà chung đó như một xã hội thu nhỏ, mỗi gia đình là một hoàn cảnh khác nhau, phản ánh các mặt của thực tại cuộc sống, của cái tốt và cái xấu luôn bủa vây mỗi người.

“Nguồn sáng trong đời” có nội dung về cuộc đời của nhân vật Lê Chí – một họa sĩ mù bị thương bởi chiến tranh. Kim Oanh – vợ Lê Chí đến nhờ bác sĩ Thành – người quen cũ, đang làm chủ một công trình thực nghiệm ghép giác mạc để mong chồng mình được nhìn thấy ánh sáng. Công cuộc đi tìm ánh sáng của vợ chồng Lê Chí – Kim Oanh gặp nhiều khó khăn bởi không ai dễ dàng tình nguyện hiến đi đôi mắt của mình, kể cả những người đã chết. Đến khi Chí gặp Toàn – một kỹ sư xây dựng bị ung thư giai đoạn cuối, mọi chuyện đã thay đổi.

“Người trong cõi nhớ” là câu chuyện đầy cảm động về “cuộc sống” của những người đang tồn tại ở “cõi nhớ”. Lưu Quang Vũ quan niệm, ngoài thế giới của những người đang sống và cõi lặng im vĩnh hằng của những người đã chết, còn một cõi thứ ba: Đó là cõi của những người sống trong trí nhớ của người ở lại, những người không bị lãng quên. Họ còn được tồn tại ở nơi này là bởi nỗi nhớ, tình yêu thương của những người ở trần thế vẫn hướng về họ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết