A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng bằng sông Cửu Long: Hiện thực hóa mục tiêu nông nghiệp Net Zero

Trong xu thế ngày nay, việc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp Net Zero (phát thải ròng bằng 0) không chỉ là chìa khóa giúp xuất khẩu nông sản bền vững đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế mà còn là con đường sống còn để bảo vệ môi trường (BVMT).

Để thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 được Việt Nam cam kết tại COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu), nhiều hành động và sáng kiến cụ thể đã được khẩn trương triển khai. Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chuyển đổi mô hình theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn đặc biệt là Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (gọi tắt là Đề án 1 triệu héc-ta) đang được ưu tiên hàng đầu. Đây là tiền đề quan trọng để ĐBSCL hiện thực hóa nền nông nghiệp Net Zero.

Tín hiệu tích cực

Những ngày qua, giá lúa gạo liên tục “nhảy múa” khiến nhiều nông dân bất an vì đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, các thành viên tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tiến Thuận ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ gần như chẳng hề lo lắng. Bởi vụ đông xuân 2024-2025, HTX tham gia Đề án 1 triệu héc-ta và được doanh nghiệp cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Anh Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiến Thuận cho biết: “Mấy vụ liên tiếp lúa sinh trưởng tốt, không đổ ngã vừa tiết kiệm chi phí vừa không lo đầu ra, giá cả ổn định. Với liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và quy trình kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp, tôi rất tin tưởng vụ này lúa tiếp tục trúng mùa”.

Nông dân thu hoạch lúa tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Tương tự, ở Trà Vinh, Đề án 1 triệu héc-ta được thí điểm tại HTX Nông nghiệp Phát Tài và HTX Nông nghiệp Phước Hảo ở huyện Châu Thành, với tổng diện tích 98,4ha. Kết quả cho thấy, trong hai vụ liên tiếp là hè thu 2024 và thu đông 2024, lượng phát thải khí nhà kính giảm vượt trội so với các tỉnh, thành phố cùng tham gia đề án. PGS, TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp dẫn chứng: “Dựa trên số liệu nền tảng để so sánh hiệu quả giảm phát thải khi áp dụng các phương pháp canh tác cải tiến, khả năng giảm phát thải trong hai mô hình thí điểm của Trà Vinh đều đạt kết quả rất cao. Trước đây, lượng phát thải đo đạc là 10,88-16,65 tấn CO2/ha thì trong vụ hè thu 2024, hai mô hình thí điểm giảm trung bình 8,18 tấn CO2/ha so với canh tác truyền thống ngoài mô hình. Đến vụ thu đông 2024, giảm trung bình 5,75 tấn CO2/ha so với ngoài mô hình”.

Được khởi động trong năm 2024, Đề án 1 triệu héc-ta đã lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL. Tham gia đề án, nông dân áp dụng máy gieo sạ chính xác kết hợp với bón vùi phân bón để giảm mạnh lượng giống sử dụng, phân bón và tiết kiệm nhân công. Ðồng thời, được ngành chức năng và các doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ áp dụng nhiều loại máy móc và công nghệ hiện đại trong quá trình làm đất, chăm sóc, thu hoạch lúa. Thực hiện quản lý nước tưới ngập khô xen kẽ, thu gom rơm ra khỏi đồng, khai thác sử dụng theo hướng tuần hoàn nhằm giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao hiệu quả sản xuất. Kết quả bước đầu thí điểm từ vụ hè thu và thu đông tại Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, lượng phát thải khí nhà kính giảm trung bình 7-8 tấn CO2/ha.

Cần quyết tâm, giải pháp đồng bộ

Theo các chuyên gia kinh tế, thực hiện nông nghiệp Net Zero giúp người sản xuất không chỉ tối ưu hóa tài nguyên, giảm phân bón, nước trong canh tác nông nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm chi phí đầu vào mà còn giúp cải thiện hiệu suất, chất lượng sản phẩm. Song song với đó, doanh nghiệp sản xuất-thương mại sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn chung trong sản xuất, sản phẩm... theo đúng yêu cầu của thị trường nhập khẩu; giá trị thương hiệu tăng, dễ thâm nhập các thị trường có giá trị cao... Với hiệu quả và sức lan tỏa của Đề án 1 triệu héc-ta có thể thấy, các tỉnh, thành phố trong vùng đã và đang không ngừng nỗ lực hiện thực mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Dù bước đầu khởi sắc, tuy nhiên tại diễn đàn Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 được tổ chức tại Cần Thơ mới đây, các chuyên gia nhận định hành trình này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Theo GS, TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường-Trường Ðại học Cần Thơ, các ngành sản xuất của ÐBSCL có phát thải cao là nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến nông sản... Vì vậy, tập trung nghiên cứu giảm phát thải đối với các ngành này sẽ đóng góp quan trọng cho chiến lược Net Zero năm 2050.

Ở một góc độ khác, ÐBSCL với diện tích lúa lớn, rừng ngập mặn, hệ sinh thái thực vật các vùng bảo tồn có vai trò hấp thu/lưu trữ carbon có ý nghĩa trong trao đổi tín chỉ carbon góp phần cân bằng phát thải. Vùng cũng có lợi thế về năng lượng xanh (gió, mặt trời...) có thể khai thác, ứng dụng vào sản xuất. “Vấn đề đặt ra là ÐBSCL cần phát triển khung chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi sản xuất sạch hơn, đánh giá phát thải, trao đổi tín chỉ carbon; cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông minh và phát triển phương pháp, phương tiện tính toán phát thải... Có như vậy, ÐBSCL mới có thể vượt qua khó khăn, thách thức và tận dụng tốt các lợi thế để hoàn thành mục tiêu Net Zero vào năm 2050”.

Bà Huỳnh Kim Ðịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho rằng, các yếu tố quan trọng tác động hiệu quả đến chuyển đổi sản xuất nông nghiệp xanh có thể kể đến là sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để người dân chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp xanh, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển công nghệ xanh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nông nghiệp xanh và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản xanh, dịch vụ xanh trên trường quốc tế. 

Ðể hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và hướng tới mục tiêu Net Zero, các bộ, ngành liên quan cần xây dựng tiêu chí hướng dẫn cụ thể. Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi phương thức sản xuất, kết hợp với cơ chế tín chỉ carbon sẽ là chìa khóa để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân là yếu tố then chốt, cần được đẩy mạnh...

Bài và ảnh: THÚY AN


Tags: Net Zero
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật