A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ: Động lực mới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) trên toàn cầu, vai trò của lĩnh vực này ngày càng trở nên then chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

Đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn yêu cầu phát triển

Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động khoa học và công nghệ, đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước trong giai đoạn vừa qua.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn và sự chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình phát triển dựa trên KH,CN&ĐMST, việc sửa đổi và ban hành một luật mới, với trọng tâm điều chỉnh các lĩnh vực KH,CN&ĐMST trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc sửa đổi luật nhằm hướng tới làm sáng rõ hơn tiềm năng, vị thế và vai trò của KH,CN&ĐMST trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.      

Tư duy của Đảng ta về KHCN đã vươn lên một tầm cao mới khi đề ra các nhiệm vụ và cách tiếp cận khi sửa đổi luật, đó là sự chuyển dịch chiến lược, đặt trọng tâm vào yếu tố ĐMST như một động lực then chốt cho sự phát triển quốc gia. Việc đặt ĐMST ở vị trí trọng tâm là yếu tố then chốt, quyết định để chuyển hóa các thành tựu khoa học thành những lợi ích kinh tế và xã hội cụ thể, đồng thời để đáp ứng những thách thức và cơ hội mới trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST trong kỷ nguyên mới.   

Luật KH,CN&ĐMST sau khi được ban hành kỳ vọng sẽ giải quyết nhiều điểm nghẽn trong việc thực thi, trong đó luật mới cần tập trung vào việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và giảm bớt sự chồng chéo, rườm rà trong quản lý hoạt động KH,CN&ĐMST. Việc tăng cường quyền tự chủ cho các tổ chức KHCN, đặc biệt là các tổ chức công lập, sẽ giúp họ chủ động hơn trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi về tài chính và nhân lực được thiết kế để thu hút và giữ chân các nhà khoa học, kỹ sư và chuyên gia giỏi, tạo động lực cho hoạt động sáng tạo và cống hiến. 

Đặc biệt, sửa đổi luật hướng đến việc tháo gỡ các rào cản trong quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu, rủi ro trong nghiên cứu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm KHCN tiếp cận thị trường. Luật sửa đổi, bổ sung cần được thiết kế có tính khả thi cao khi áp dụng vào cuộc sống, đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai, cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả thực thi luật cũng cần được thiết lập để kịp thời phát hiện và giải quyết các vấn đề phát sinh.

Có thể thấy rằng, việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ để ban hành Luật KH,CN&ĐMST là một bước đi quan trọng và cần thiết để tạo động lực mới cho sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc sửa đổi, bổ sung luật thể hiện nhiều thay đổi tích cực mang tính đột phá, đặc biệt là nhấn mạnh vai trò của ĐMST, hoàn thiện cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của các tổ chức KH,CN&ĐMST, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đổi mới cơ chế đầu tư và tài chính, thúc đẩy ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tăng cường hợp tác quốc tế và đảm bảo đạo đức trong hoạt động KH,CN&ĐMST để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên phát triển mới.

Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ảnh: nait.vn

Những vấn đề trọng tâm cần xem xét khi sửa đổi luật

Một là, làm rõ hơn nữa nội hàm ĐMST.

ĐMST không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghệ mà còn bao gồm cả đổi mới trong các lĩnh vực khác, cả các khía cạnh phi công nghệ như khoa học xã hội, nhân văn, mô hình kinh doanh và quản lý. Việc nâng cao vai trò của ĐMST trong luật cho thấy một sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển, từ việc tập trung chủ yếu vào nghiên cứu và phát triển sang việc chú trọng hơn đến ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Điều này phản ánh xu hướng toàn cầu và tầm quan trọng của ĐMST trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh cho quốc gia.     

Hai là, sửa đổi cơ cấu và cơ chế hoạt động của tổ chức KHCN.

Sửa đổi luật nhằm bổ sung các quy định làm rõ hệ thống tổ chức KH,CN&ĐMST, bao gồm tổ chức nghiên cứu và phát triển, cơ sở giáo dục đại học đăng ký là tổ chức KHCN, ĐMST, cũng như các doanh nghiệp có hoạt động chủ yếu là nghiên cứu và phát triển KH,CN&ĐMST. Quy định về đăng ký hoạt động KH,CN&ĐMST được điều chỉnh, chỉ còn áp dụng đối với tổ chức nghiên cứu và phát triển để xác định rõ đối tượng chủ yếu thực hiện hoạt động nghiên cứu KHCN. Bên cạnh đó, việc bổ sung quy định về tiêu chí và phương pháp đánh giá tổ chức KH,CN&ĐMST công lập, có cơ chế xử lý các tổ chức hoạt động không hiệu quả. Các tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí, trong khi các tổ chức hoạt động kém hiệu quả có thể bị cắt giảm nguồn lực hoặc giải thể, kết thúc hoạt động.

Những thay đổi này nhằm tạo ra một hệ thống tổ chức KHCN rõ ràng, hiệu quả và tự chủ hơn, giúp các tổ chức này hoạt động linh hoạt và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thực tiễn. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động sẽ góp phần nâng cao chất lượng và trách nhiệm giải trình của các tổ chức khoa học, công nghệ.   

Ba là, chính sách về nhân lực KHCN, ĐMST.

Việc sửa đổi luật hướng tới mở rộng đối tượng nhân lực hoạt động KH,CN&ĐMST, bao gồm nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực sau đại học, cá nhân quản lý hoạt động KHCN, ĐMST trong cơ quan quản lý nhà nước, và cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; bổ sung các chính sách ưu đãi đối với các nhà khoa học đầu ngành, người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài hoạt động KH,CN&ĐMST ở Việt Nam. Việc chú trọng phát triển và đãi ngộ nguồn nhân lực KH,CN&ĐMST là yếu tố then chốt để nâng cao tiềm lực KHCN quốc gia. Các chính sách ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học sẽ khuyến khích họ cống hiến và phát huy tối đa năng lực sáng tạo.  

Bốn là, cơ chế đầu tư và tài chính phục vụ phát triển KH,CN&ĐMST được thực hiện theo hướng mở và tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt. 

Việc thay đổi về cơ chế nhằm khuyến khích và tạo điều kiện để huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực ngoài công lập, khu vực tư nhân vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý tài chính được đổi mới theo hướng quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro, thay vì kiểm soát quy trình và đầu vào chi tiết. Nhà nước sẽ quản lý mục tiêu, quản lý đầu ra, quản lý kết quả và hiệu quả nghiên cứu. Nhà nước cũng có các chính sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dành cho nghiên cứu và phát triển các công nghệ chiến lược có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, quy định về cơ chế tài trợ linh hoạt, cho phép các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được nhận tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau cũng được hoàn thiện và đồng bộ. Điều này cho thấy, tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, cùng với việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính theo hướng hiệu quả và chấp nhận rủi ro, sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các hoạt động KH,CN&ĐMST phát triển bền vững.

Năm là, thúc đẩy ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. 

Sửa đổi luật để bổ sung quy định cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tổ chức KH,CN&ĐMST công lập được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Luật cũng hướng tới đơn giản hóa thủ tục chuyển giao công nghệ nhằm khuyến khích ĐMST trong doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học. Việc tập trung vào ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu sẽ giúp KH,CN&ĐMST đóng góp thiết thực hơn vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.  

Sáu là, quy định về chuyển giao công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hoàn thiện toàn diện hơn.

Sửa đổi luật để tiếp tục quy định về việc triển khai thực hiện hoạt động KH,CN&ĐMST, biện pháp bảo đảm phát triển và thúc đẩy ĐMST, quản lý nhà nước, đặc biệt là các vấn đề về sở hữu trí tuệ. Theo đó, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là yếu tố then chốt để khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và ĐMST. Luật sửa đổi cần hướng tới việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các quy định trong lĩnh vực này để đảm bảo quyền lợi của các nhà khoa học và doanh nghiệp đối với sản phẩm trí tuệ của mình.   

Bảy là, nghiên cứu, bổ sung quy định đối với các công nghệ mới nổi như AI, công nghệ sinh học và dữ liệu lớn trong các hoạt động nghiên cứu, phát triển. 

Luật cần hướng tới việc thích ứng với sự phát triển của thế giới về KH,CN&ĐMST. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay, việc luật pháp điều chỉnh và tạo điều kiện cho sự phát triển của các công nghệ mới nổi như AI, công nghệ sinh học và dữ liệu lớn là vô cùng quan trọng, chính vì thế, luật sửa đổi cần có những quy định phù hợp, cụ thể để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, hòa chung với dòng chảy của KH,CN&ĐMST của thế giới.

Tám là, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp thu kiến thức, công nghệ tiên tiến và mở rộng thị trường cho các sản phẩm KH,CN&ĐMST của Việt Nam. Luật sửa đổi hướng tới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động hợp tác của các chủ thể với các đối tác nước ngoài, tận dụng thế mạnh của quan hệ ngoại giao của Việt Nam với thế giới.  

Chín là, cơ chế đảm bảo đạo đức và trách nhiệm xã hội liên quan đến nghiên cứu và ứng dụng KH,CN&ĐMST được quy định trong khuôn khổ luật.

Đảm bảo đạo đức và trách nhiệm xã hội trong hoạt động KH,CN&ĐMST là vô cùng quan trọng, đặc biệt khi các công nghệ mới có tiềm năng tác động lớn đến xã hội. Luật sửa đổi cần có những quy định chặt chẽ trong lĩnh vực này, trong đó hoạt động KH,CN&ĐMST phải hài hòa với môi trường, giá trị đạo đức xã hội và phù hợp với giá trị văn hóa, giá trị quốc gia, và giá trị dân tộc Việt Nam.    

PGS, TS TRẦN QUANG DIỆUGiám đốc Trung tâm Công nghệ và Chuyển đổi số, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh


Tags: công nghệ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật