A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính phủ đề xuất 41 chính sách đặc thù cho Hải Phòng đúng dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng

Hải Phòng cần cơ chế đặc thù, vượt trội để tạo đột phá phát triển giai đoạn 2026-2030, trong đó trọng tâm là 41 chính sách thí điểm trên 6 lĩnh vực.

Sáng 13/5 tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng.

Cải cách thể chế nhằm tăng tốc đầi tư

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội (dự thảo Nghị quyết) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Nguyễn Văn Thắng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, sau 03 năm sơ kết thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội cho thấy một số cơ chế, chính sách đã thực hiện đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên, các chính sách này vẫn chưa tạo ra sự phát triển đột phá của thành phố; một số cơ chế, chính sách chờ văn bản

Để đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030 như mục tiêu đã đề ra, việc bổ sung các cơ chế, chính sách vượt trội, có tính đột phá nhằm mở ra không gian phát triển mới cho thành phố là yêu cầu cấp thiết.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết mới sẽ thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trong các lĩnh vực: Quản lý đầu tư, tài chính, ngân sách, quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu nhập cán bộ công chức, và thành lập Khu Thương mại tự do. Tổng cộng, có 41 chính sách cụ thể được đề xuất thuộc 6 nhóm lớn.

Một điểm đáng chú ý là việc Chính phủ đề xuất phân cấp cho UBND TP. Hải Phòng quyền chấp thuận và điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án trên 2.300 tỷ đồng tại khu vực cảng biển. Đây là bước tiến quan trọng giúp thành phố chủ động hơn trong thu hút đầu tư, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu bến cảng theo quy hoạch.

Hải Phòng đề xuất giữ lại nguồn thu vượt trội

Trong nhóm cơ chế đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, một đề xuất đáng chú ý là ngân sách Trung ương sẽ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Hải Phòng hàng năm với tỷ lệ 70% phần tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (không bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, Khu thương mại tự do, cũng như cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên đảo Bạch Long Vỹ. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này không vượt quá tổng số tăng thu thực tế của ngân sách Trung ương tại địa phương so với năm trước, đồng thời đảm bảo trung ương không hụt thu.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường ngày 13/5
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường sáng ngày 13/5. Ảnh: VPQH

Ngoài ra, ngân sách thành phố sẽ được hưởng 100% số thu tăng thêm từ điều chỉnh chính sách phí, lệ phí. Nguồn thu này được dùng cho đầu tư phát triển hạ tầng và các nhiệm vụ chi thuộc trách nhiệm địa phương, nhưng không được tính vào cân đối ngân sách và không dùng cho cải cách tiền lương.

Về phát triển Khu thương mại tự do, đề xuất cho phép tổ chức Khu Thương mại tự do theo mô hình các khu chức năng chuyên biệt như: Khu sản xuất, khu cảng và logistics, khu thương mại, dịch vụ và các mô hình khác theo luật định. Các khu chức năng này sẽ được quản lý như khu phi thuế quan, dưới sự kiểm soát hải quan và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng được trao quyền quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới Khu Thương mại tự do, gắn liền với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và khu kinh tế ven biển phía Nam. Quy trình thực hiện tương tự như quy định đối với khu công nghiệp.

Cơ chế này kỳ vọng mở ra không gian phát triển mới, giúp Hải Phòng khai thác hiệu quả tiềm năng logistics, thương mại quốc tế và hạ tầng cảng biển, từ đó tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp vào kinh tế vùng và cả nước.

Việc ban hành Nghị quyết mới kỳ vọng sẽ đặt nền móng thể chế vững chắc, thúc đẩy Hải Phòng trở thành cực tăng trưởng quan trọng phía Bắc và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.

Đủ cơ sở chính trị, pháp lý để thay thế Nghị quyết 35

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Ban Kinh tế -Tài chính Phan Văn Mãi cho biết: Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng là cần thiết, đã bảo đảm đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và đúng thẩm quyền.

Phan Văn Mãi
Chủ nhiệm Ủy ban Ban Kinh tế -Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: VPQH

Về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, báo cáo thẩm tra nêu rõ, với chính sách phí, lệ phí, Ủy ban lưu ý dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi đang cho phép HĐND địa phương ban hành một số khoản thu ngoài danh mục hiện hành. Nếu quy định này được thông qua, cần rà soát lại nội dung nghị quyết để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Riêng về khoản ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho TP. Hải Phòng (70% phần tăng thu từ xuất nhập khẩu, không gồm VAT), Ủy ban đánh giá sửa đổi này phù hợp với định hướng của Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi. Việc thu hẹp phạm vi chi tiêu, tập trung đầu tư cho hạ tầng khu kinh tế, công nghiệp, thương mại tự do và đảo Bạch Long Vỹ là hợp lý. Ủy ban thống nhất với phương án trình của Chính phủ.

Đối với đề xuất TP. Hải Phòng được quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển Hải Phòng.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, theo Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi nhiều luật liên quan, các dự án có quy mô vốn tương tự tại cảng biển đặc biệt hoặc loại I (trong đó có cảng biển Hải Phòng) hiện thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Thí điểm Khu thương mại tự do: Bước đi đột phá nhưng cần kiểm soát chặt

Trước sự chồng chéo này, đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng việc phân cấp cho Hải Phòng là hợp lý, vì giúp rút ngắn thủ tục hành chính,tạo điều kiện cho thành phố hoàn thành các mục tiêu phát triển và tăng tính chủ động trong thu hút đầu tư, đặc biệt với các dự án quy mô lớn về cảng biển và logistics” - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Việc đặt Khu Thương mại tự do trong Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng và Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải sẽ giúp tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có như: hạ tầng kỹ thuật – xã hội đã và đang được đầu tư; khả năng kết nối quốc tế và trong nước thuận lợi; quỹ đất rõ ràng với ranh giới riêng biệt. Đồng thời được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành về thuế, đất đai, tín dụng và kế toán.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng việc thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do là cần thiết, có đầy đủ cơ sở chính trị và pháp lý, thể hiện quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Hải Phòng và Chính phủ trong tiếp cận các mô hình phát triển tiên tiến trên thế giới. Nếu thực hiện thành công, đây sẽ là bước đột phá quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không chỉ cho thành phố mà còn lan tỏa ra vùng và cả nước.

Tuy nhiên, đây là chính sách lớn, có liên quan đến nhiều vấn đề không chỉ về kinh tế mà còn quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội. Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần quy định rõ:

Mục tiêu và kết quả kỳ vọng khi thành lập Khu Thương mại tự do, bao gồm các tác động đến tăng trưởng, ngân sách, xã hội và tính lan tỏa vùng miền; Cơ chế quản lý và giám sát, trong đó cần bổ sung hệ thống theo dõi định kỳ; Trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan trong quá trình triển khai.

Dự thảo Nghị quyết bao gồm 03 Chương với 12 Điều, cụ thể:

1. Chương I: Quy định chung gồm 03 Điều (từ Điều 1 đến Điều 3).

2. Chương II: Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, gồm 7 Điều (từ Điều 4 đến Điều 10).

3. Chương III: Tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành, gồm 02 Điều (từ Điều 11 đến Điều 12).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật