A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Loại trừ thủ phạm gây ra hơn 200 loại bệnh

Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế được công bố năm 2018 về bệnh không lây nhiễm, ăn uống và dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy tần suất thừa cân, béo phì trên người lớn ở Việt Nam là 15%, tỷ lệ ở thành thị gấp gần 2 lần so với nông thôn (22,1% so với 11,2%).

Béo phì là thủ phạm gây hơn 200 loại bệnh, trong đó có bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường...

Một ca phẫu thuật nội soi cắt dạ dày hình ống cho bệnh nhân béo phì tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. ẢNH: KIM OANH 

Theo Bộ Y tế, béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa hoặc bất thường, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ở nhiều nước trên thế giới, tình trạng béo phì ngày càng gia tăng, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây. Bệnh béo phì có sự thay đổi theo giới, tuổi, tình trạng kinh tế, xã hội, yếu tố chủng tộc. Một thống kê tại Việt Nam năm 2021 cho kết quả tương tự với tỷ lệ thừa cân, béo phì ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm 18% tổng số lượng người thừa cân, béo phì trên toàn quốc. Đáng lưu ý là tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên đang gia tăng nhanh chóng do thay đổi chế độ ăn uống, môi trường sống, giảm hoạt động thể lực. Đây là một bệnh mãn tính khó điều trị và dễ dàng phát triển thành béo phì ở người lớn, đòi hỏi một chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống năng động trong suốt cuộc đời. Do đó, nên thiết lập chính sách nhằm phát hiện và điều trị sớm.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị béo phì do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký ban hành cho thấy, béo phì được Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công nhận là một bệnh mạn tính đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài. Béo phì gây ra các vấn đề trầm trọng đến sức khỏe, là thủ phạm gây hơn 200 bệnh khác nhau, như bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ cùng nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa... Tình trạng tự chữa béo phì không có hiệu quả, nhiều biến cố nặng và tốn kém. Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế cũng khuyến cáo quản lý béo phì không chỉ tập trung vào việc giảm cân mà các bệnh đồng mắc cùng sức khỏe bệnh nhân cũng được đưa vào mục tiêu điều trị. Theo các chuyên gia, quản lý béo phì nên được thực hiện bởi nhiều chuyên khoa, các chuyên gia khác nhau để có thể giải quyết các khía cạnh khác nhau của béo phì cùng những rối loạn liên quan. Béo phì là một bệnh mãn tính nên việc quản lý cân nặng cần phải kéo dài suốt đời.

Tập luyện hoạt động thể chất sức bền là một biện pháp thiết yếu trong các chương trình giảm cân cho người béo phì. Nên thực hiện các bài tập cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần, 3 đến 5 lần một tuần, bắt đầu bằng bài tập cường độ thấp và tăng dần cường độ; số lượng tập thể dục theo mức độ thể dục cá nhân. Đối với người béo phì điều cần thiết là tránh chấn thương khi vận động cường độ cao. Những người béo phì nặng cần bắt đầu với bài tập đơn giản sau đó tăng dần đều, ví dụ như: Đi bộ, tập thể hình, đi xe đạp, bơi thuyền, chạy, nhảy aerobic, nhảy dây...

GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, không ít bệnh nhân đã tin dùng thuốc giảm béo nhưng hiệu quả không được như mong muốn. "Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo người thừa cân, béo phì không nên tin dùng thuốc giảm cân được rao bán tràn lan trên mạng. Đến nay, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) mới chỉ công nhận 2 thuốc được phép cho sử dụng trong béo phì, nhưng thuốc này cũng có không ít tác dụng phụ...", GS, TS Trần Bình Giang khuyến cáo.


Tags: bệnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết