A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngăn chặn mê tín dị đoan trong lễ hội đầu xuân

Đầu xuân là dịp cao điểm diễn ra nhiều lễ hội, cũng là thời điểm hoạt động mê tín dị đoan nở rộ. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, không ít tổ chức, cá nhân núp dưới danh nghĩa phong tục cổ truyền, tín ngưỡng dân gian để thực hiện các hành vi “buôn thần, bán thánh”.

Khảo sát một số lễ hội đang diễn ra, như lễ hội chùa Tân Thanh, lễ hội Lồng Tồng (Lạng Sơn), hội Lim (Bắc Ninh)... chúng tôi thấy các lễ hội đã và đang diễn ra trang nghiêm, các tổ chức, cá nhân hành nghề mê tín dị đoan bị dẹp bỏ. Tuy nhiên, tại đây, hoạt động đốt vàng mã vẫn đang bị lạm dụng. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, đốt vàng mã hiện nay không đơn thuần chỉ là những bộ quần áo, giày dép, mũ nón như trước mà còn có thêm nhà lầu, xe hơi, ti vi, tủ lạnh... gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Lễ hội chùa Tân Thanh. 

Bên cạnh những địa phương kiểm soát tốt vấn đề hành nghề mê tín dị đoan tại các lễ hội, vẫn còn nhiều lễ hội các hoạt động cúng bái theo sớ, xem bói, đoán tướng, cúng sao giải hạn... bị biến tướng nhằm mục đích trục lợi. Trong khi đó, các chế tài xử phạt đối với hành vi hoạt động mê tín dị đoan đã được quy định rõ ràng. Cụ thể, tại khoản 4 và khoản 7, Điều 14, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo nêu rõ, phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội và phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan. Ngoài ra, hành vi hoạt động mê tín dị đoan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Ngày 3-2-2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 09/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân năm 2025. Theo đó, công điện yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, nhân dân và khách du lịch, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về tổ chức và tham dự lễ hội; tuyệt đối không tổ chức và tham dự các lễ hội tràn lan, lãng phí; nhất là lợi dụng để tác động, hoạt động mê tín dị đoan...

Để những lễ hội đầu xuân diễn ra an toàn, vui tươi, lành mạnh, văn minh, mỗi người dân cần phân biệt giữa tín ngưỡng, tôn giáo với các hoạt động mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội; tuyệt đối không tham gia vào các hoạt động mê tín dị đoan.

Bài và ảnh: TRIỆU VĨNH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật