Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực thúc đẩy công bằng trong ứng phó với đại dịch

Thúc đẩy công bằng trong ứng phó với đại dịch đang là mục tiêu quan trọng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nỗ lực thực hiện sau những mất mát và tổn hại to lớn do đại dịch Covid-19 gây ra. Cái đích cho dù còn xa nhưng cũng đã xuất hiện những tín hiệu tích cực.

WHO mới đây đã gửi tới các nước thành viên và các tổ chức phi chính phủ bản dự thảo thỏa thuận về đại dịch toàn cầu, trong đó đáng chú ý là những đề xuất biện pháp nhằm bảo đảm thế giới ứng phó mạnh mẽ và công bằng hơn đối với các đại dịch có thể xảy ra tiếp theo, tránh những thất bại như trong đại dịch Covid-19.

Đây có thể coi là một tín hiệu tích cực bởi WHO đã khởi động tiến trình đàm phán về dự thảo thỏa thuận từ cuối năm 2021, nhưng phải đến đầu năm 2023, một lộ trình đàm phán cụ thể mới được vạch ra. Dự kiến các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu từ ngày 27-2 tới đây. Nhưng đáng chú ý hơn cả là WHO hướng tới đạt được một văn bản thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý mà các nước tham gia ký kết phải tuân thủ, dự kiến vào mùa xuân năm 2024.

Từ bỏ quyền sở hữu công nghệ sản xuất vaccine sẽ là một vấn đề khó khăn cho cuộc đàm phán của WHO (Ảnh minh họa).

Ảnh: Getty Images 

Mục tiêu lạc quan là vậy, nhưng giới quan sát cũng đã lường trước những khó khăn trong quá trình đàm phán sắp được khởi động tới đây. Bởi những nội dung trong đó bao gồm các biện pháp mang tính ràng buộc đối với những nước ký kết, tựu trung lại là sẽ phải chia sẻ lợi ích và cộng đồng trách nhiệm nhiều hơn. 

Nhìn lại thời kỳ đỉnh điểm đại dịch Covid-19 bùng phát khi thế giới kêu gọi các nước giàu chia sẻ vaccine và công nghệ sản xuất nhưng kết quả đạt được không như trông đợi, có thể lường trước nỗ lực của WHO cũng khó tránh khỏi những trở ngại tương tự.

Bản dự thảo của WHO đề xuất những biện pháp nhằm bảo đảm công bằng trong ứng phó với đại dịch như các nước phải dự trữ thuốc và vaccine để WHO phân phối cho những nước nghèo. Cụ thể là đề xuất dự trữ khoảng 20% các bộ xét nghiệm, vaccine hoặc phương pháp điều trị được phát triển để sử dụng ở những nước nghèo. 

Dự thảo cũng kêu gọi thiết lập mạng lưới chuỗi cung ứng và logistics đại dịch toàn cầu mới để bảo đảm phân bổ các biện pháp đối phó tốt hơn và công bằng hơn cũng như một kế hoạch bồi thường toàn cầu cho những trường hợp bị tổn thương do vaccine. Bản dự thảo cũng bao gồm kiến nghị xây dựng hệ thống tiếp cận mầm bệnh và chia sẻ lợi ích của WHO, trong đó kêu gọi các nước chia sẻ trình tự gen và mầm bệnh “trong vài giờ”.

Văn kiện còn đề xuất rằng các triệu chứng bệnh, cách chữa trị và vaccine được phát triển từ dữ liệu của WHO cần được chia sẻ công bằng, trong đó có điều khoản cho phép WHO có được 20% sản lượng bất kỳ, cụ thể 10% là quyên tặng và 10% bán với giá phải chăng, để sử dụng ở những nước đang phát triển. Giải pháp trên nhằm tránh việc các nước chia sẻ dữ liệu lúc bùng nổ dịch bệnh nhưng lại không được tiếp cận các biện pháp đối phó được phát triển từ việc sử dụng chính những dữ liệu này. 

Đây là những nội dung sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán tới đây giữa các nước thành viên WHO. Dự thảo được các nước thành viên WHO cùng soạn thảo nhưng nội dung cuối cùng vẫn cần được thông qua trước khi có hiệu lực thực thi. Theo đánh giá của giới chuyên gia, dự thảo này có thể tiếp tục gây tranh cãi kéo dài do kêu gọi từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian diễn ra các đại dịch. Trong khi những người ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ cho rằng biện pháp này sẽ cho phép tiếp cận rộng rãi và nhanh chóng hơn các loại thuốc cấp cứu và vaccine, thì các hãng dược lại tẩy chay. 

Đơn cử việc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Ấn Độ và Nam Phi hồi tháng 3 năm ngoái đạt được sự nhất trí về dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các hãng dược lớn. Các nhà sản xuất dược phẩm toàn cầu trong Liên đoàn các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế (IFPMA) cho rằng động thái trên có thể làm suy yếu khả năng ứng phó của họ trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai. 

Việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ chỉ là một trong những đề xuất của bản dự thảo nhưng lại là trở ngại lớn nhất đối với nỗ lực đạt được thỏa thuận chung của WHO. Dù vậy, sức tàn phá kinh khủng của Covid-19 khi cướp đi sinh mạng của 6,6 triệu người, thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ USD cùng rất nhiều tổn hại khác tạo ra cơn “ác mộng” thời kỳ đại dịch, sẽ là điều cần được nhìn lại để đong đếm những cái giá phải trả. 

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nhấn mạnh tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 là nguyên nhân khiến đại dịch kéo dài. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, đà phục hồi có thể bị kìm hãm và khiến GDP toàn cầu mất đi 5.300 tỷ USD trong 5 năm tới nếu khoảng cách về tỷ lệ tiêm phòng hiện nay giữa các nước phát triển và các nước nghèo không được thu hẹp. 

Bà Precious Matsoso, thành viên của Cơ quan đàm phán liên chính phủ của WHO nhấn mạnh: Con người không bao giờ được quên tác động của đại dịch đối với cuộc sống, kinh tế và xã hội nói chung. Cách tốt nhất để cộng đồng quốc tế tránh lặp lại quá khứ là hợp tác để xây dựng một thỏa thuận toàn cầu giúp bảo vệ các nước khỏi những mối đe dọa của đại dịch trong tương lai.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật