A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Pháp luật và cuộc sống: Án phạt nghiêm minh cho hành vi trục lợi bảo hiểm

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hành vi trục lợi bảo hiểm với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Dưới góc độ một luật sư từng tham gia bào chữa và tư vấn cho cả người bị hại và người vi phạm, tôi nhận thấy đây là một hiện tượng đáng báo động, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của các công ty bảo hiểm mà còn tác động xấu đến hệ thống pháp luật và đạo đức xã hội.

Ngày 5-4-2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Tô Thị Ty Na ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) về hành vi giết người. Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, khoảng 22 giờ 5 phút ngày 2-1-2023, tại nhà Tô Thị Ty Na, cháu Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 2017) là con ruột Na tử vong ở nhà vệ sinh. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan công an đã xác định Tô Thị Ty Na có hành vi giết cháu Hoàng nhằm trục lợi bảo hiểm. Người phụ nữ này có thể sẽ phải đối diện với hai tội danh là giết người và gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.

Ảnh minh họa: tuoitre.vn

Người dân cần hiểu rằng bảo hiểm là một cơ chế chia sẻ rủi ro, nơi người tham gia đóng phí để được bảo đảm tài chính khi gặp phải sự cố như tai nạn, bệnh tật, thiên tai, cháy nổ... Tuy nhiên, nhiều người lại cố tình lợi dụng hệ thống này để trục lợi bất chính, tức là khai gian, giả mạo sự kiện bảo hiểm hoặc cố ý tạo dựng sự cố nhằm chiếm đoạt tiền bồi thường. Các hình thức trục lợi phổ biến bao gồm: Làm giả giấy tờ y tế để yêu cầu chi trả bảo hiểm sức khỏe; cố tình gây tai nạn hoặc hủy hoại tài sản để đòi bồi thường; khai báo sai sự thật về nguyên nhân tử vong để nhận tiền bảo hiểm nhân thọ; thậm chí có những trường hợp dựng hiện trường tai nạn giả hoặc thuê người đóng giả bệnh nhân. Theo quy định tại Điều 213 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền bảo hiểm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”, với mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm, kèm theo hình phạt bổ sung là phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề liên quan từ 1 đến 5 năm.

Người dân cần nâng cao nhận thức pháp luật, không nên vì lòng tham trước mắt mà đánh đổi tương lai và danh dự bản thân. Nếu gặp khó khăn trong việc yêu cầu bồi thường bảo hiểm, hãy tìm đến chuyên gia tư vấn hoặc khiếu nại qua các kênh chính thống. Tuyệt đối không làm giả hồ sơ hay khai man thông tin. Đồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám định độc lập và phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để phát hiện và ngăn chặn sớm các hành vi gian lận. Nhà nước cũng cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao mức xử phạt và đẩy mạnh tuyên truyền để xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng đồng.

Trục lợi bảo hiểm không chỉ là hành vi gian dối mà còn là sự hủy hoại niềm tin xã hội và đẩy người vi phạm vào vòng lao lý. Hãy là người tham gia bảo hiểm một cách văn minh, trung thực và có trách nhiệm.

Luật sư TRẦN VĂN QUYẾT, Đoàn Luật sư TP Hà Nội


Tags: Bảo hiểm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật