A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử: Bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng

Sửa đổi, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005 nhằm góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng.

Sáng 25-10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

 Quang cảnh phiên họp sáng 25-10. Ảnh: VPQH

Sự cần thiết xây dựng luật

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng luật.

Theo đó, kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử năm 2005 cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung.

Đó là, phạm vi điều chỉnh chưa phù hợp với thực tiễn ứng dụng và phát triển giao dịch điện tử hiện nay. Cụ thể là, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 loại trừ không áp dụng giao dịch điện tử đối với một số hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực tư pháp, đất đai, xây dựng, tài chính. Việc loại trừ này có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai các giao dịch điện tử trong các lĩnh vực đang bị loại trừ.

 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: VPQH

Đồng thời, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thiếu quy định cụ thể về giá trị pháp lý và bảo đảm độ tin cậy cho một số yếu tố quan trọng trong giao dịch điện tử như: Thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy...

Ngoài ra, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa có quy định làm rõ giá trị pháp lý của việc chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại.

Đặc biệt, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có một số quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu nhưng chưa đồng bộ với một số nội dung về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng quy định tại Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018; chưa được cụ thể hóa để bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng trong giao dịch điện tử, do vậy, cần cụ thể hóa nội dung này trong dự thảo luật…

“Việc sửa đổi, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số quốc gia”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những nội dung sửa đổi chính trong dự luật là về mở rộng phạm vi điều chỉnh. 

Theo đó, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội; tạo một khung pháp luật thống nhất về hoạt động giao dịch điện tử trong các lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi các giao dịch từ môi trường thực sang môi trường số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Xem xét việc mở rộng phạm vi điều chỉnh

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 với những lý do đã nêu trong tờ trình của Chính phủ. 

Đồng thời, nhấn mạnh việc sửa đổi luật lần này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng.

 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, dự thảo luật chỉ quy định những nguyên tắc chung làm cơ sở pháp lý cho việc giao dịch trên môi trường điện tử, còn giao dịch trực tiếp, truyền thống thì vẫn tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành trong từng lĩnh vực.

Do đó, Chủ nhiệm Lê Quang Huy đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, toàn diện, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật hiện hành.

Đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam song Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho biết, một số ý kiến cho rằng nên hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh vì cho rằng sẽ tạo thêm áp lực đối với nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin.

Mặt khác, theo Chủ nhiệm Lê Quang Huy, hiện nay, vẫn có nhiều nước chưa áp dụng việc thực hiện giao dịch điện tử trong một số lĩnh vực (đặc biệt như đất đai, thừa kế). Việc cấp trực tiếp một số giấy tờ như đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn… thông qua mạng có thể không thể hiện được ý chí của các bên liên quan khi tham gia giao dịch. Một số giấy tờ sử dụng trong giao dịch điện tử mang thông tin liên quan “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình” có nguy cơ lộ, lọt, bị chiếm đoạt, vi phạm Hiến pháp….


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết