Từ việc người nước ngoài ở nhà xã hội tại Bắc Giang và câu chuyện quản lý loại hình nhà ở này
Theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2023, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Tuy nhiên những ngày qua, báo chí phản ánh một số tòa nhà ở xã hội tại Bắc Giang, Bắc Ninh có nhiều người nước ngoài sinh sống. Vụ việc gây bức xúc dư luận, bởi thực tế còn quá đông công nhân lao động trong nước phải thuê trọ ở điều kiện không đảm bảo an toàn.
Nhà ở xã hội dành cho... người giàu?
Thống kê hiện nay, cả nước có khoảng 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; trong số đó khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhà ở là nhu cầu bức thiết nhất đối với công nhân lao động. Thực tế còn lượng lớn công nhân, đặc biệt công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có nhà ở.
Đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: baochinhphu.vn |
Khảo sát của tổ chức công đoàn, trên 60% công nhân lao động đang phải thuê ở tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng thiếu tiện ích, không bảo đảm an ninh, an toàn. Trong khi nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động rất lớn, thì với đồng lương ít ỏi, khả năng tích lũy tài chính eo hẹp nên việc sở hữu căn nhà giá trị cả tỷ đồng là rất khó với phần đông người lao động.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - ông Ngọ Duy Hiểu bày tỏ lo ngại về hệ lụy xã hội khi giá nhà vẫn đang phi mã. Ông cảnh báo, khi giá nhà tăng bất thường, giá thuê nhà cũng sẽ tăng theo, khiến đời sống của công nhân càng thêm chật vật.
Nhà ở cho người lao động trong nước còn gặp khó là vậy nhưng qua phản ánh của báo chí, một số tòa nhà ở xã hội tại Bắc Giang và Bắc Ninh thời gian qua đã dần hình thành nên cộng đồng người nước ngoài. Thông tin trên Báo Lao động, tình trạng người nước ngoài sống trong 2 khu Nhà ở xã hội Vân Trung và Nội Hoàng (Bắc Giang) đã diễn ra từ năm 2021. Tương tự tại dự án Khu Nhà ở xã hội, siêu thị bán lẻ hàng điện máy và đồ gia dụng, tạp hóa tại Phố Mới, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, dù bàn giao chưa lâu nhưng cũng rất đông người nước ngoài sinh sống. Giá thuê trung bình 7 - 8 triệu đồng/căn hộ.
Trong khi theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Luật Nhà ở năm 2023: Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định của Luật này.
Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo Điều 76 Luật Nhà ở năm 2023 gồm: Người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo, cận nghèo, người thu nhập thấp; công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ...
Như vậy, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở năm 2023 không có người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Theo quy định, người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam chỉ được sở hữu nhà ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Để nhà ở xã hội đến đúng người cần
Từ vụ việc người nước ngoài ở nhà xã hội tại Bắc Ninh, Bắc Giang, nhiều người đặt câu hỏi: Tình trạng này liệu có diễn ra tại những địa phương khác nhưng chưa được phát hiện? cần quản lý loại hình nhà ở này như thế nào để chính sách về nhà ở xã hội thực sự mang lại lợi ích cho người có thu nhập thấp?
Thực tế thời gian qua, việc quản lý nhà ở xã hội chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội hoặc có người giàu là chủ sở hữu nhà ở xã hội. Chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh đã phải thốt lên: Đó là một thực trạng đáng buồn. Nhà ở xã hội - sản phẩm mà Đảng, Nhà nước đã dành rất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho người thu nhập thấp tại các đô thị và công nhân, người lao động trong các khu đô thị nhưng khi dạo quanh nhiều dự án nhà ở xã hội thì chật kín xe con sở hữu của cư dân, thậm chí tại nhiều dự án cư dân còn sở hữu xe ô tô hạng sang.
Tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, diễn ra mới đây cũng nêu thực trạng về nhà ở xã hội hiện nay là người có nhu cầu không thể mua do thủ tục phức tạp và tình trạng đầu cơ, chênh giá rất lớn giữa giá bán chủ đầu tư đăng ký với Nhà nước và giá bán thực tế. Đồng thời, đối tượng mua bán, cho thuê nhà ở xã hội không phải là công nhân, người lao động, người có nhu cầu thực đối với loại hình nhà ở này.
Do đó, tại cuộc họp, Ủy ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội những năm qua để có giải pháp hiệu quả; nghiên cứu có biện pháp mạnh đối với vi phạm chính sách pháp luật về nhà ở xã hội.
Qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động hiện nay vẫn rất lớn, tuy nhiên việc sở hữu của phần đông người thu nhập thấp ở các đô thị rất khó khăn, do thu nhập quá thấp hoặc không ổn định nên không có khả năng chi trả một khoản tiền lớn để mua nhà cho dù có được hưởng những cơ chế ưu đãi. Bên cạnh đó, do nguồn cung không đáp ứng được với nhu cầu nên đã dẫn đến tình trạng người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội sau đó bán sang tay kiếm lời.
Để chính sách về nhà ở xã hội thực sự mang lại lợi ích cho người có thu nhập thấp, nhiều ý kiến cho rằng phải siết chặt những tiêu chí đối tượng được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội, nếu không sẽ tạo ra những “kẽ hở” để trục lợi chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích việc tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội của các thành phần kinh tế. Theo báo cáo của các bộ, ngành liên quan, nhiều quy định về trình tự, thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt dự án nhà ở xã hội chưa có quy trình thống nhất, nên thực hiện còn lúng túng, chậm trễ, kéo dài. Các ưu đãi với xây dựng nhà ở xã hội chưa đủ sức khuyến khích việc tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội của các thành phần kinh tế; thủ tục mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội qua nhiều khâu xác minh, thẩm duyệt, gặp nhiều vướng mắc, thời gian thẩm định kéo dài...