Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tục chúc Tết độc đáo ở Nhị Khê

Chúc Tết là nét đẹp văn hóa ngàn đời của người dân Việt Nam, song ở làng Nhị Khê (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) có chút khác biệt khi người dân thường đi lễ Tết tại đình làng, nhà thờ tổ nghề tiện rồi mới đi chúc Tết nhà nhau.

Từ trung tâm Hà Nội men theo Quốc lộ 1A khoảng 15km về phía Nam, chúng tôi về thăm làng nghề tiện gỗ nổi tiếng Nhị Khê. Không khí của một làng nghề vào dịp cuối năm khác hẳn với các làng thuần nông, đó là sự nhộn nhịp ra vào của các chuyến hàng phục vụ Tết.

Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Nguyễn Thông vẫn nhớ rõ truyền thống của làng Nhị Khê. Ông cho biết: "Nhị Khê có tên Nôm là làng Dũi, có nghề tiện gỗ lâu đời nên nghề tiện đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Người dân Nhị Khê có tập tục đi lễ Tết tại đình làng đầu tiên, rồi đến lễ ở nhà thờ tổ nghề tiện, sau mới đến nhà nhau chúc Tết".

 Đình làng Nhị Khê

Theo ông Nguyễn Thông lý giải, sở dĩ có tập tục như vậy bởi cả đình làng và nhà thờ tổ nghề tiện có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Nhị Khê. Vào thế kỷ 17, làng có một vị phi tần đứng đầu Cung tần thị nội, từng giữ chức Lễ nghi học sĩ, giảng dạy trong hoàng cung. Vào năm 1653, lúc ấy bà 50 tuổi, đã đứng ra quyên góp và trùng tu lại đình làng Nhị Khê với mong muốn để lại trên quê hương một công trình văn hóa. Với công lao như vậy, bà được nhân dân Nhị Khê thờ phụng trong đình làng. Ngoài ra, khi còn sống, bà rất chăm lo cho đời sống nhân dân, thường xuyên quyên góp xây dựng các đền, miếu, đình, chùa... nên rất được nhân dân kính trọng. 

Đình làng Nhị Khê thờ trời, đất tượng trưng cho cha mẹ. Hội làng được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng, làng rước hai chiếc ngai, trên ngai có mũ ông, mũ bà, bộ y phục, đôi hài lộng lẫy... Vì vậy, người dân luôn ưu tiên đi lễ Tết ở đình làng đầu tiên. Kế đến, người dân Nhị Khê sẽ đi lễ tại nhà thờ tổ nghề tiện nằm ngay gần với đình làng.

Tương truyền, vào thời Hậu Lê, có một cụ già không rõ tên tuổi, quê quán đi qua vùng đất này, đã đem nghề tiện gỗ truyền dạy cho người dân các làng bên hữu ngạn sông Tô Lịch là Khánh Vân, Hoàng Xá... nhưng người dân ở đó không hợp nghề. Cụ già bèn dạy cho một số người ở bên kia sông (tức làng Dũi), họ học nghề khá nhanh và khéo. Dần dần, nghề được truyền rộng rãi khắp làng Dũi và trở thành một sinh kế quan trọng nơi đây.

Khi người làng Dũi đã thạo nghề, vào ngày 25-10 (âm lịch), cụ già bỏ đi không một lời từ biệt. Theo người đời sau kể lại, cụ tên là Đoàn Tài, tuy nhiên, danh tính của cụ hiện nay vẫn chưa được làm rõ. Từ đó, người dân Nhị Khê lấy ngày 25-10 làm ngày giỗ tổ nghề, tôn cụ làm Tiên Thánh Sư. Làng nghề càng ngày càng phát triển, người Nhị Khê tỏa đi khắp nơi không chỉ kiếm sống mà còn làm giàu bằng nghề tiện nên người dân rất tôn kính tổ nghề. Đặc biệt, ngày giỗ tổ nghề, người làng Nhị Khê đều mang hai thứ đặt lên ban thờ là lễ phẩm hương hoa và bó dụng cụ nghề tiện để lấy phước của quê hương và tổ nghề.

Nét đẹp đi lễ Tết ở Nhị Khê đã trở thành một tập tục và được duy trì hàng trăm năm nay. Qua tập tục này, các thế hệ con cháu của Nhị Khê được ôn lại lịch sử của làng, tưởng nhớ, biết ơn đến những người đã có công, có đức với làng và từ đó khuyến khích, động viên con em nỗ lực, phấn đấu làm giàu cho quê hương, đất nước.


Tags: Tết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật