Việc thanh tra “phải” làm “ngay”
Sáng 25-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị bổ sung các từ “phải” và “ngay” vào các nội dung quy định về người ra quyết định thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn “chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm”; “trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo người ra quyết định thanh tra chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp biết”.
Ý kiến của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà rất đáng lưu tâm, bởi khi không có sự ràng buộc “phải” làm “ngay”, cán bộ thanh tra có thể vì lý do nào đó mà lần lữa, kéo dài việc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra khi phát hiện dấu hiệu tội phạm. Thực tế cho thấy, ngay khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hay dấu hiệu tội phạm, đã có trường hợp cán bộ thanh tra móc ngoặc với đối tượng thanh tra, đòi chung chi để được "ngó lơ" vi phạm. Vụ 4 thành viên đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị kết án về hành vi vòi vĩnh đối tượng thanh tra là ví dụ điển hình.
Nhìn vào thực tế thu hồi tài sản tham nhũng cũng có thể hình dung một phần của vấn đề. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở hầu hết các vụ án đều thấp hơn rất nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Ở một số vụ án lớn gần đây, có những bị cáo đến tận gần thời điểm tuyên án mới chịu nộp tiền khắc phục hậu quả để tránh bị tuyên án tử hình. Điều đó cho thấy, các đối tượng tham nhũng đã có khoảng thời gian đủ dài để tẩu tán tài sản, dẫn tới khó khăn cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Nếu quy định rõ trách nhiệm “phải” chuyển “ngay” hồ sơ sang cơ quan điều tra khi phát hiện dấu hiệu tội phạm, thì sẽ hạn chế tình trạng cố tình kéo dài thời gian của cán bộ thanh tra vì động cơ tiêu cực, khiến cho đối tượng không kịp tẩu tán tài sản tham nhũng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì ngày làm việc 25-10 của Quốc hội. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Tuy nhiên, “phải” và “ngay” cũng chỉ là những từ ngữ định tính, không có định lượng cụ thể về thời gian. Ngay cả quy định “khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm” cũng rất khó xác định về mốc thời gian. Do vậy, chúng tôi cho rằng phải quy định rõ một mốc thời gian và một thời hạn cụ thể. Chẳng hạn: Trong thời hạn 1 ngày kể từ ngày kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp tại nơi được thanh tra, trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo ngay người ra quyết định tranh tra chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trong thời hạn 1 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Đồng thời, cần bổ sung chế tài mạnh mẽ hơn với trưởng đoàn và thành viên đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra theo hướng sẽ bị xử lý nghiêm nếu có dấu hiệu tội phạm rõ ràng nhưng không báo cáo, hoặc được báo cáo nhưng không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, dẫn tới cơ quan điều tra phải nhờ các nguồn tin khác mới phát hiện được tội phạm. Nếu do cố tình bao che thì xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự, nếu do trình độ nghiệp vụ non kém thì kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy thanh tra.
Có như vậy, hoạt động thanh tra mới được bảo đảm cao nhất về tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật, phòng và chống tiêu cực, tham nhũng ở ngay những người vốn dĩ phải “cầm cân nảy mực”!