A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bắc Giang: Sẵn sàng cho mùa vải thiều 2023 tiêu thụ hanh thông

Các cơ sở sơ chế, đóng gói, sản xuất hàng phụ trợ phục vụ cho mùa vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã bắt đầu đẩy mạnh hoạt động.

Vải sớm Bắc Giang dự kiến thu hoạch ngày 25/5

Năm nay, diện tích vải thiều của toàn tỉnh Bắc Giang là 29.700 ha, tăng so với năm trước 1.600 ha; trong đó, vải thiều chín sớm khoảng 7.700 ha, dự kiến thu hoạch 60.000 tấn; vải chính vụ 22.000 ha, sản lượng dự kiến trên 120.000 tấn.

Bắc Giang: Sẵn sàng cho mùa vải thiều 2023 tiêu thụ hanh thông
Bắc Giang đã sẵn sàng cho mùa tiêu thụ vải thiều năm 2023

Riêng tại huyện Lục Ngạn, diện tích năm nay khoảng 17.357 ha; sản lượng 98.000 tấn, trong đó vải sớm 25.000 tấn, vải chính vụ 73.000 tấn.

Còn tại huyện Tân Yên - một trong những nơi tập trung nhiều diện tích vải sớm của tỉnh Bắc Giang dự kiến sản lượng năm nay cho thu hoạch khoảng 9.000 tấn.

Theo dự kiến, chỉ hơn 1 tuần nữa vụ vải thiều sớm Bắc Giang sẽ bước vào mùa thu hoạch chính. Thời điểm này, các cơ sở sơ chế, đóng gói, sản xuất hàng phụ trợ phục vụ mùa vải trên địa bàn tỉnh đã hoạt động, sẵn sàng cho một mùa thu hoạch an toàn.

Ghi nhận tại huyện Tân Yên cho thấy, bà con đang gấp rút tập trung mọi công đoạn cho mùa vải 2023. Vải sớm Tân Yên dự kiến thu hoạch từ ngày 25/5 – 15/6. Xác định việc kết nối tiêu thu cần được thực hiện sớm nên huyện đã chủ động phân định rõ các vùng trồng ngắn ngày với kế hoạch tiêu thụ vải thiều xuất khẩu đến với từng doanh nghiệp và phân khúc thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thời điểm này, chính quyền huyện Tân Yên cùng người trồng vải tiếp tục chỉ đạo chăm sóc, quản lý mã số vùng trồng; giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh hại trên quả vải. Kiểm soát việc lấy mẫu, đảm bảo nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm quả vải từ nay đến cuối vụ; trong đó chú trọng các vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, vùng vải xuất khẩu.

Chủ động tiêu thụ

Xác định hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán quả vải tươi phục vụ xuất khẩu, tiêu thụ trong nước và chế biến tại chỗ bằng hình thức sấy khô, đóng hộp, ép nước… nên các cơ sở sơ chế, đóng gói, sản xuất hàng phụ trợ trên địa bàn tỉnh đã chủ động nhiều phương án sản xuất, kinh doanh.

Riêng trên địa bàn huyện Lục Ngạn có 5 doanh nghiệp sản xuất thùng xốp (đạt hơn 6 triệu thùng/năm). Hiện nay, một số doanh nghiệp, cơ sở đã sản xuất đã dự trữ gần 1 triệu sản phẩm và dự kiến cả vụ sản xuất hơn 2 triệu thùng nhựa cung cấp cho các cơ sở đóng gói.

Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất nước đá công nghiệp cũng đã khởi động sản xuất dự trữ. Ví dự tại cơ sở sản xuất nước đá công nghiệp Huệ Lân (thị trấn Chũ – Lục Ngạn) từ ngày 17/5 đã bắt đầu sản xuất đá cây, trung bình mỗi ngày làm được 600 cây đá, lúc cao điểm sẽ tăng sản lượng.

Còn tại kho lạnh của Công ty cổ phần thực phẩm xuất nhập khẩu Toàn Cầu cũng đủ điều kiện bảo quản vải thiều với sức chứa 600 - 700 tấn. Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phì Điền có kho bảo quản lạnh công suất 150 tấn. Một số kho lạnh của các doanh nghiệp, hợp tác xã khác đều có công suất 150 - 200 tấn.

Ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - cho biết, năm nay, địa phương xác định tiêu thụ vải thiều tươi hơn 78 nghìn tấn (trong đó xuất khẩu 43 nghìn tấn); tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử 7 nghìn tấn; sấy khô 9,5 nghìn tấn và bảo quản lạnh, chế biến công nghiệp 3,2 nghìn tấn. Đến nay đã có 204 thương nhân Trung Quốc đăng ký vào địa bàn huyện để chuẩn bị thu mua vải thiều.

Để chuẩn bị tốt cho vụ thu hoạch năm nay, huyện quản lý chặt 84 mã vùng trồng và 173 mã cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu của các doanh nghiệp, hợp tác xã và thương nhân; hướng dẫn, phổ biến các các quy định về xuất khẩu trái cây sang các thị trường, chống các hành vi gian lận thương mại (mua ở vùng này nhưng dán mã vùng khác).

Nhằm tạo điều kiện cho người sản xuất, thương nhân, doanh nghiệp trong việc thu hoạch, vận chuyển tiêu thụ vải thiều năm 2023 đối với thị trường trong nước cũng như xuất khẩu được thuận lợi, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã có văn bản về việc phối hợp trong công tác hỗ trợ vận chuyển, tiêu thụ vải thiều năm 2023.

Các địa phương có vùng trồng vải ở Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát chặt việc sử dụng mã số cơ sở đóng gói, bao bì, tem nhãn cũng như tuân thủ điều kiện theo tiêu chuẩn, yêu cầu của các thị trường để bảo đảm truy xuất nguồn gốc.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết