A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chất lượng giống cây trồng còn nhiều nỗi lo

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”-theo kinh nghiệm sản xuất của bà con nông dân, giống được xem là yếu tố quyết định năng suất, chất lượng của mùa vụ. Tuy nhiên, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều người dân đang phải “đánh cược” với vụ mùa của mình bởi chất lượng giống cây trồng bị thả nổi.

“Ma trận” giống cây trồng

Để chuẩn bị tái canh cho 2ha ổi đang già cỗi, ông Nguyễn Văn Hòa ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang vượt gần 200km đến xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang với mong muốn tìm mua được giống của Viện Cây ăn quả miền Nam (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để nâng cao năng suất, sản lượng. Thế nhưng khi đến nơi, ông hoa mắt vì chỗ nào cũng treo biển giống cây trồng của Viện Cây ăn quả miền Nam. “Tới đâu cũng thấy họ ra chào mời đây là giống tốt của Viện Cây ăn quả miền Nam, tự giới thiệu là người trong viện ra mở thêm cơ sở này để kinh doanh nên cứ yên tâm về chất lượng. Không những vậy, họ còn mời chào nếu mua nhiều sẽ được giảm giá và tặng thêm cây giống. Không biết điểm nào là chất lượng nên tôi nhắm mắt mua liều”, ông Hòa bộc bạch.

Nông dân Bến Tre kiểm tra chất lượng giống cây trồng. 

Những năm gần đây, sản xuất cây ăn trái phát triển và vươn lên mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Giá trị xuất khẩu rau, quả bắt đầu vượt mốc 1 tỷ USD từ năm 2013, liên tục nhiều năm gần đây đã vượt mức 3 tỷ USD/năm và dự kiến đạt hơn 4 tỷ USD trong năm 2023. Cây ăn trái giúp nông dân nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu. Đặc biệt, với xu hướng chuyển đổi cây trồng, nhiều địa phương tiếp tục phát triển diện tích trồng cây ăn trái kéo theo nhu cầu cây giống tăng hơn 250-300 triệu cây/năm.

Nhu cầu cây giống cao, trong khi nguồn cung của các viện, trường, trung tâm nghiên cứu cây trồng chưa đáp ứng được nên nhiều hộ bắt tay vào sản xuất, kinh doanh cây giống.

Theo các chuyên gia, quy trình sản xuất đúng kỹ thuật quyết định lớn đến chất lượng cây giống. Để có một cây giống đạt yêu cầu (bảo đảm các chỉ số về chiều cao, đường kính thân, số cặp cành tính theo ngày tuổi, lá xanh tốt, không có hiện tượng sâu bệnh...) phải trải qua nhiều công đoạn khắt khe. Chẳng hạn như với cây ghép, việc chọn gốc, chồi đạt chất lượng, khi ghép và chăm sóc phải đúng quy trình kỹ thuật. Còn muốn cây mầm sinh trưởng đòi hỏi cần được đầu tư nhiều về hạ tầng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong cấy, ghép và quan trọng nhất là việc xây dựng được các vườn cây đầu dòng...  Trước khi xuất ra thị trường, cây giống còn phải qua khâu kiểm định chất lượng một lần nữa nên hoàn toàn sạch bệnh.

Trong khi việc sản xuất cây giống ở viện trải qua quy trình bài bản thì các cơ sở tự phát chỉ ươm giống bằng cách làm thủ công với quy trình đơn giản. Dọc tuyến đường thuộc phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, hoạt động mua bán giống cây trồng diễn ra nhộn nhịp. Song điều đáng bàn là người mua cứ mua, còn người bán chỉ giới thiệu sơ sài về giống cây; chứng nhận cây giống gần như không được đề cập.

Khi hỏi về nguồn gốc giống cây, chị Dương Kim Pha, chủ cơ sở kinh doanh cây giống ăn trái và hoa kiểng Út Nữa (TP Cần Thơ) thừa nhận: “Cơ sở tôi lấy nguồn cây giống từ các cơ sở sản xuất cây giống có uy tín tại tỉnh Bến Tre. Họ bảo đảm đây là nguồn giống chất lượng nên mình mua, còn việc ươm giống như thế nào thì tôi cũng không rõ”.

Theo thống kê từ Viện Cây ăn quả miền Nam, vùng ĐBSCL hiện có hơn 1.600 tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất, buôn bán giống cây trồng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chỉ có 900 cơ sở đăng ký quản lý, còn lại hoạt động tự do. Việc tồn tại quá nhiều cơ sở kinh doanh giống cây mà không tuân thủ sự quản lý của cơ quan chuyên ngành đã làm giảm sự đồng bộ và chất lượng sản phẩm.

Cạnh tranh không lành mạnh cũng gây hệ lụy cho ngành nông nghiệp và ảnh hưởng xấu đến giá trị, thương hiệu của ngành. Điều này cũng đã gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho nhiều nhà vườn trong thời gian qua.

Tiền Giang là tỉnh có thế mạnh về cây ăn trái của vùng ĐBSCL với 82.000ha, theo ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng để phục vụ cho bà con trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Trong 141 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống, chỉ có 22 cơ sở sản xuất, còn lại 119 cơ sở chủ yếu là kinh doanh, nhập từ các địa phương khác về bán, đặc biệt là nhập từ tỉnh Bến Tre.

Tình trạng giống cây trồng không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường vẫn phổ biến. Một số cơ sở sản xuất, buôn bán giống cây trồng chưa tuân thủ các quy định như: Vấn đề nhãn mác; vấn đề gốc ghép, mắt ghép. Vẫn còn tình trạng các cơ sở sản xuất và kinh doanh chưa được công nhận lưu hành và công nhận lưu hành đặc biệt đã bán giống ra thị trường.

Cần làm sạch thị trường cây giống

Báo cáo tại Hội nghị “Quản lý chất lượng giống cây ăn quả phía Nam” của Cục Trồng trọt diễn ra tại Bến Tre mới đây cho thấy, trong năm 2022, qua kiểm tra 5 đơn vị sản xuất giống và 201 đơn vị kinh doanh giống cây ăn quả, có 18 đơn vị kinh doanh giống bảo đảm yêu cầu theo quy định, chiếm 9% số đơn vị kinh doanh giống được kiểm tra. Như vậy, có tới 91% số cơ sở không đạt yêu cầu với những lỗi như: Thiếu giấy phép kinh doanh, không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc cây giống hoặc giống chưa được lưu hành.

Việc thả nổi chất lượng giống cây ăn quả thời gian qua đã và đang gióng lên hồi chuông báo động về sự phát triển bền vững của ngành hàng trái cây ở ĐBSCL. Kiểm soát được chất lượng giống cây ăn trái cũng là một trong những giải pháp hướng nghề trồng trọt và xuất khẩu trái cây phát triển ổn định, bền vững. Để làm được điều này, ngành chức năng các địa phương cần quan tâm đào tạo, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, đầu tư hạ tầng và triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu, phát triển sản xuất giống cũng như bảo vệ “bản quyền” giống. Phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm gắn với biểu dương, khen thưởng những người làm tốt...

Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng và quản lý giống cây trồng, ông Trần Hoàng Nhật Nam cho rằng: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có định hướng phát triển giống cây cho các vùng trong mối liên kết chung. Ví dụ, ĐBSCL cần chọn 1, 2 địa phương có năng lực, khả năng, từ đó có sự đầu tư từ Nhà nước, doanh nghiệp để phát triển mạnh về giống cây. Đơn cử như tỉnh Bến Tre, chúng ta cần nâng cao chất lượng trở thành trung tâm giống của vùng để sản xuất, nghiên cứu, lai tạo ra những giống cây mới. Cần có quy định cụ thể về điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng và khi tham gia hoạt động này phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy đủ điều kiện như kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể về cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng và tiêu chuẩn cây giống áp dụng trên phạm vi toàn quốc...”.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, kiến nghị: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong kiểm tra, quản lý giống cây trồng, nhất là quản lý việc mua bán các loại giống cây ăn trái ngoài danh mục và chưa qua khảo nghiệm, đồng thời có các hướng dẫn, giải pháp nhằm xử lý vi phạm một cách đồng bộ giữa các địa phương. Bên cạnh đó, cần có biện pháp bảo vệ quyền sở hữu giống, bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân để họ có kinh phí, điều kiện tốt hơn nhằm nghiên cứu, tạo thêm những giống mới".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết