A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống buôn lậu trong mùa nước nổi ở An Giang

Cứ vào khoảng tháng 8 âm lịch, khi nước tràn đồng thì tình trạng buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam lại trở nên nóng bỏng và phức tạp.

Nguyên nhân chính vẫn là do mức chênh lệch giá giữa hàng nhập lậu và hàng trong nước khá lớn. Hơn nữa, vào mùa nước nổi, trên các cánh đồng sát biên giới Campuchia là những khoảng không mênh mông, rất dễ để đối tượng lợi dụng vận chuyển hàng hóa nhập lậu. Do vậy, những ngày này, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang luôn phải căng mình trên mặt trận chống buôn lậu. 

Tinh vi, manh động

Theo Thiếu tá Lê Văn Quân, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, BĐBP tỉnh An Giang: Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu trong mùa nước nổi là sử dụng xuồng vỏ lãi, máy chạy tốc độ cao để vận chuyển nhỏ lẻ hàng hóa qua biên giới. Mùa này nước lại ngập sâu, có nơi lên đến 2m. Do đó, khi thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống buôn lậu ở khu vực biên giới An Giang gặp rất nhiều khó khăn.

Cùng tham gia với lực lượng tuần tra, chúng tôi mới hiểu được phần nào khó khăn, vất vả của các anh khi thực hiện nhiệm vụ và những thủ đoạn hết sức tinh vi của các đối tượng buôn lậu. Rọi đèn pin về phía cánh đồng sát biên giới Campuchia nước đã ngập sâu, trắng xóa, Thiếu tá Lê Văn Quân nói: “Thời điểm này, việc tuần tra sẽ vất vả hơn rất nhiều. Đồng trống nên việc mật phục cũng không hề đơn giản. Vì vậy, để ngăn chặn tội phạm, chúng tôi tổ chức tuần tra liên tục cả ngày và đêm”.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang tuần tra vào mùa nước nổi. 

Ở miền Tây, mùa nước nổi cũng là mùa mưu sinh. Vậy nên vào đêm tối, bà con thường ra đồng thả lưới đánh cá, giăng câu, bắt ốc... Đó cũng là cái khó cho công tác tuần tra của lực lượng BĐBP. Bởi lợi dụng đêm tối, tầm nhìn hạn chế, các đối tượng thường trà trộn, giả dạng người dân để qua mặt lực lượng chức năng. Theo Đại úy Đậu Tuấn Anh, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Nhơn Hội: Các đối tượng buôn lậu tổ chức đường dây khá chặt chẽ từ đầu nậu, hộ kinh doanh cá thể, người canh đường, người theo dõi đến người tham gia vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đặc biệt, phần lớn các vụ vận chuyển hàng lậu khi bị phát hiện, đối tượng đều “bỏ của chạy lấy người” nên ít khi bắt được thủ phạm. Nhiều đối tượng còn liều lĩnh, lao thẳng thuyền máy vào đội hình tuần tra...

Theo thống kê, hoạt động buôn lậu thường xảy ra ở các địa bàn trọng điểm, như: Thị trấn Long Bình (huyện An Phú), phường Vĩnh Nguơn (TP Châu Đốc), phường Tịnh Biên (thị xã Tịnh Biên), xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu). Trong đó, địa bàn do Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn quản lý có nhiều “điểm nóng” về buôn lậu. Thượng úy Võ Khánh Huy, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn cho biết: “Các đối tượng thường tổ chức cắt cử người canh đường, theo dõi lực lượng chức năng để thông báo cho nhau. Chúng thường lợi dụng đêm tối, giờ ăn cơm... khi lực lượng canh gác trên biên giới mỏng sẽ mang, vác hàng hóa vận chuyển qua biên giới về Việt Nam. Gần đây, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu tinh vi hơn, chúng chia nhỏ, phân lẻ hàng hóa rồi thuê người dân mang, vác hoặc dùng phương tiện thủy vận chuyển qua biên giới với tiền công chỉ vài trăm nghìn đồng”.

Chung tay giữ gìn bình yên biên giới

Mùa khô hay mùa nước nổi, lúc bình thường hay thời điểm giáp Tết thì các đối tượng buôn lậu đều có những phương thức, thủ đoạn riêng để qua mặt lực lượng chức năng. Ở thời điểm nào thì cuộc chiến chống buôn lậu cũng không hề dễ dàng. Song bằng sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, lực lượng BĐBP tỉnh An Giang đã triệt phá, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu. Điển hình vào ngày 5-8, trong lúc mật phục tại khu vực mương Thốt Nốt (phường Vĩnh Ngươn) cách mốc 266/2 khoảng 200m, Tổ công tác Đội Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm (Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP tỉnh An Giang) và Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn đã bắt giữ một đối tượng cùng 750 bao thuốc lá điếu nhập lậu, tổng trị giá tang vật khoảng 12 triệu đồng.

Thống kê cho thấy, tính đến tháng 9, BĐBP tỉnh An Giang đã độc lập bắt, xử lý 62 vụ/56 đối tượng, tổng trị giá hàng hóa, tang vật ước tính khoảng 1,38 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2023 giảm 28 vụ/7 đối tượng, trị giá hàng hóa, tang vật giảm khoảng 350 triệu đồng); phối hợp bắt giữ, xử lý 30 vụ/35 đối tượng, tổng trị giá hàng hóa khoảng 18,6 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2023, tăng 11 vụ/14 đối tượng, trị giá hàng hóa tăng khoảng 17,7 tỷ đồng).

Đại tá Nguyễn Hồng Khiêm, Phó chỉ huy trưởng nghiệp vụ BĐBP tỉnh An Giang cho biết: “Thời gian qua, tình hình buôn lậu cơ bản được kiềm chế. Đó là kết quả từ việc BĐBP tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân hiểu rõ tác hại của buôn lậu đối với nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, đơn vị còn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm cho bà con, từ đó nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Kinh tế ổn định, bà con cũng không còn bị đối tượng xấu lợi dụng tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật... Nhiều bà con còn trở thành cánh tay đắc lực của lực lượng trong phòng, chống buôn lậu nơi biên giới. Minh chứng là trong 5 năm qua, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho BĐBP gần 3.200 tin, trong đó hơn 1.610 tin có giá trị”.

Sinh sống tại khu vực biên giới tỉnh An Giang, vào mùa khô, ông Phạm Văn Tèo, ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang làm ruộng, khi nước về ông ra đồng giăng câu, thả lưới. Ý thức được trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ an ninh biên giới, ông cùng bà con nơi đây lập đội tuần tra, kịp thời thông báo cho BĐBP khi phát hiện người lạ mặt qua lại biên giới. “Các anh Bộ đội Biên phòng thường xuyên xuống với dân trao đổi về tình hình an ninh biên giới cũng như tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con. Bộ đội chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ bà con rất nhiều nên bà con phải có trách nhiệm chung tay cùng bộ đội giữ gìn bình yên biên giới”.


Tags: buôn lậu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật