A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần sớm tái định cư cho người dân

Thực tiễn ở Yên Bái nói riêng cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung thời gian qua cho thấy, bên cạnh lũ quét thì sạt lở đất là loại hình thiên tai gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản.

Trong khi đó, hầu hết các địa phương đều còn có nhiều hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở đất rất cao. Điều này đặt ra vấn đề cần một chương trình bài bản, căn cơ để di dời, tái định cư cho người dân, không để tính mạng người dân đặt cược vào sự bất thường của thời tiết.

 Sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng

Đó là khẳng định của đồng chí Bàn Tòn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên (Yên Bái) khi trao đổi với chúng tôi về tình hình sạt lở đất trên địa bàn xã thời gian qua. Để có thể cảm nhận rõ hơn sự nguy hiểm của loại hình thiên tai này, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đưa chúng tôi vào bản Tát-nơi 2 giờ ngày 13-9 vừa qua đã xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp nhà ông Hoàng Nguyên Lâm, làm một cháu sinh năm 2012 thiệt mạng, một cháu bị thương.

Hiện trường vụ sạt lở đất ở bản Tát, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên (Yên Bái) khiến một người tử vong. 

Bản Tát có 220 hộ dân, nhiều nhà “tựa lưng” vào đồi đất. Nhà ông Hoàng Nguyên Lâm mặc dù cách đồi đất hàng chục mét nhưng khi sạt lở xảy ra, ngôi nhà vẫn bị vùi lấp hoàn toàn, gây hậu quả nghiêm trọng. Tại hiện trường chỉ thấy ngổn ngang đất đá; mấy thanh gỗ, cái quạt điện, chăn len được người nhà đào bới kéo lên từ vị trí cháu bé thiệt mạng càng làm mọi người thêm đau xót... Lượng đất đá quá lớn “san phẳng” mọi thứ nên có lẽ nếu không được giới thiệu, không ai biết tại vị trí này trước đó từng tồn tại một căn nhà! Cách nhà ông Hoàng Nguyên Lâm chưa đầy 50m, một ngôi nhà khá quy mô đang được xây dựng sắp hoàn thành cũng bị ảnh hưởng từ vụ sạt lở đất, khiến chủ nhà lo sợ phải “bỏ của chạy lấy người”, chấp nhận mất hàng tỷ đồng đã đầu tư.

Sau vụ sạt lở đất tại bản Tát, chính quyền địa phương đã phải di dời khẩn cấp 120 hộ dân. Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Văn Yên cho biết, trong hai ngày 13 và 14-9, Ban CHQS huyện dùng flycam để kiểm tra thì phát hiện vết nứt trên một quả đồi. Do nguy cơ sạt lở đất còn cao nên đến nay, 7 hộ dân vẫn phải đi tránh trú, chưa thể quay về nhà. “Qua kiểm tra, khảo sát, chúng tôi thấy có 60 hộ dân cần phải di dời, tái định cư càng sớm càng tốt. 7 hộ dân hiện chưa được về nhà thì cần phải tổ chức tái định cư ngay để bảo đảm an toàn”, đồng chí Bàn Tòn Sơn kiến nghị.

Tình trạng sạt lở đất cũng đã và đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương khác của tỉnh Yên Bái. Tại huyện Lục Yên, mới đây nhất, 2 giờ ngày 10-9, xảy ra sạt lở tại thôn Át Thượng, xã Minh Xuân, khiến 5 ngôi nhà bị vùi lấp hoàn toàn, 9 người tử vong. Tại TP Yên Bái, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy khá nhiều nhà dân bị đất sạt lở vùi lấp hoặc đang đối diện với nguy cơ sạt lở. Chỉ riêng tại thôn Trực Bình, xã Minh Bảo (TP Yên Bái) hiện còn hơn 20 gia đình chưa dám về nhà vì nguy cơ sạt lở. Sáng 11-9 vừa qua, tại tổ 7, phường Yên Ninh cũng đã xảy ra vụ sạt lở khiến một ngôi nhà bị đổ hoàn toàn, hơn 10 nhà khác bị đất đá tràn vào trong.

Đặc biệt, vụ sạt lở đất xảy ra ở thôn Bảo Tân, xã Minh Bảo khiến 4 người trong gia đình anh Sa Văn Ánh tử vong vào rạng sáng 10-9 làm nhiều người bàng hoàng. Thắp nén hương lên bàn thờ tạm trong ngôi nhà đổ nát của anh Ánh, bà Phạm Thị Thời, hàng xóm của gia đình anh Ánh, kể: “Sau trận mưa suốt đêm, ngọn đồi phía sau nhà anh Ánh bất ngờ sạt lở, bùn đất đổ ập xuống. Nghe người dân hô hoán, chúng tôi liền chạy ra để cứu giúp, nhưng vì mất điện, mưa to nên lực bất tòng tâm. Đến khi trời rạng sáng, các lực lượng chức năng và người dân tập trung bới đất đá tìm kiếm thì thấy thi thể 4 nạn nhân. Đau xót hơn là vợ anh Ánh mới sinh cháu thứ hai được 3 tháng tuổi, lúc tử vong, hai cháu bé vẫn nằm trong vòng tay bố mẹ...”.

Cần những cách làm căn cơ, bền vững

Không riêng Yên Bái, các tỉnh vùng núi phía Bắc có địa hình đồi, núi chia cắt, chịu ảnh hưởng nặng nề trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, do điều kiện địa hình, thói quen, nhiều người dân làm nhà dựa lưng vào đồi, núi, chủ yếu là đồi đất. Khi trời mưa lớn, dài ngày, đất “no nước” sẽ gây sạt lở, vì vậy, nguy cơ mất an toàn là rất cao. Thực tế những năm qua cho thấy, hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc đều đã chịu hậu quả nặng nề cả về tính mạng con người và tài sản do lũ quét, sạt lở đất gây ra.

Điều đáng mừng là những năm gần đây, nhất là sau bão số 3 và trận lũ lụt lịch sử vừa xảy ra, nhiều địa phương đã quan tâm, chú trọng đến việc tái định cư cho người dân tại vùng nguy hiểm, như ở xã Châu Quế Hạ, Bí thư Đảng ủy xã Bàn Tòn Sơn cho biết, địa phương đã tìm được mặt bằng và sẽ triển khai thực hiện việc tái định cư tại chỗ cho bà con nằm trong khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất trong thời gian sớm nhất. Thế nhưng, nhìn chung hiện nay việc tái định cư cho người dân vẫn đang gặp khó khăn, bất cập do phụ thuộc vào ngân sách của địa phương, vào sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu, chưa có một quy định mang tính thống nhất để triển khai trên phạm vi cả nước. Vì thế, theo đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang, Trung ương cần có chủ trương, giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược về quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu tái định cư cho người dân đang sinh sống ở những vùng nguy hiểm để các địa phương tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả.

Vấn đề tái định cư cho người dân cũng được Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam rất quan tâm. Mới đây, khi đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão lũ tại Hà Giang, Tuyên Quang, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết đã yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát các địa bàn có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để di dời, tái định cư nhằm bảo đảm cuộc sống an toàn, lâu dài cho người dân...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật