Tiêu điểm
Thứ sáu, 18/07/2025 - 18:22
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cú huých cho sản xuất lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thành phố Cần Thơ (mới) không chỉ mở rộng địa giới hành chính mà còn trở thành động lực cho sản xuất lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, ổn định.

Dư địa ngành gạo Đồng bằng sông Cửu Long sau khi “Cần Thơ mở rộng”

Đồng bằng sông Cửu Long là “vựa lúa quốc gia”, nơi sản xuất và xuất khẩu 90% tổng lượng gạo của Việt Nam ra thế giới. Riêng năm 2024, toàn khu vực đã gieo trồng khoảng 3,8 triệu hecta lúa, thu hoạch hơn 24 triệu tấn lúa, tương đương trên 12 triệu tấn gạo hàng hóa.

Trong bức tranh đó, ba địa phương Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang chiếm vai trò đặc biệt. Năm 2024, Cần Thơ sản xuất khoảng 1,33 triệu tấn lúa, Sóc Trăng đạt hơn 2,1 triệu tấn và Hậu Giang thu hoạch khoảng 1,3 triệu tấn. 6 tháng đầu năm 2025, số liệu sơ bộ từ các Sở Nông nghiệp và Môi trường địa phương cho thấy sản lượng lúa tiếp tục ổn định, nhờ thời tiết thuận lợi và áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến.

Sau sáp nhập, vùng sản xuất lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều dư địa phát triển.

Sau sáp nhập, vùng sản xuất lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều dư địa phát triển. 

Việc hợp nhất 3 tỉnh thành tạo thành “Cần Thơ mới” đã nâng tổng diện tích đất trồng lúa khu vực này lên gần 600.000 hecta, biến Cần Thơ trở thành trung tâm lúa gạo thuộc top đầu miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt, Cần Thơ có lợi thế ở hệ thống doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu ngày càng chuyên nghiệp. Cần Thơ mới hiện có khoảng 35 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nổi bật là các thương hiệu gạo ST24, ST25 - từng đoạt giải gạo ngon nhất thế giới.

Bên cạnh đó, chương trình “1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải” đang được Chính phủ thúc đẩy ở khu vực này. Hậu Giang đã cam kết triển khai 28.000 hecta lúa chất lượng cao vào cuối năm 2025, Sóc Trăng và Cần Thơ cũng đang đồng loạt áp dụng mô hình canh tác ít phát thải, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất.

Không chỉ dừng ở sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc. Điều này giúp hạt gạo miền Tây không chỉ bán bằng cân, mà bán được bằng giá trị gia tăng, bằng thương hiệu và sự khác biệt.

"Cơ hội vàng" và những thách thức

Việc hình thành “Cần Thơ mở rộng” tạo ra một cú huých lớn cho ngành gạo. Với quy mô dân số trên 4 triệu người, nguồn lực đất đai, nhân lực và hệ thống logistics, Cần Thơ đang trở thành đầu mối thu mua, chế biến và xuất khẩu gạo quy mô lớn. Đặc biệt, rồi đây hệ thống cao tốc, hệ thống cảng biển Trần Đề hình thành hay tuyến vận tải thủy liên vùng giúp việc vận chuyển gạo ra thế giới thuận lợi hơn.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo đạt 4,9 triệu tấn và 2,54 tỷ USD, tăng 7,6% về khối lượng nhưng giảm 12,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Philippines, Bờ Biển Ngà và Gana là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành gạo Việt Nam.

Anh hùng lao động Hồ Quang Cua là “cha đẻ” của giống gạo ngon nhất thế giới ST25.

Anh hùng lao động Hồ Quang Cua là “cha đẻ” của giống gạo ngon nhất thế giới ST25. 

Tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu ngành gạo, ông Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật cho biết, xuất khẩu gạo năm 2025 của Việt Nam nhiều khả năng sẽ giảm cả lượng và giá so với năm 2024. Do dư địa cho xuất khẩu gạo năm 2025 còn rất ít trong bối cảnh mức nền của năm 2024 vốn đã ở mức cao, trong khi có quá nhiều yếu tố bất lợi liên quan đến thị trường, đặc biệt là khi Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo.

Nhưng khác với gạo cấp thấp trước đây, giờ đây Việt Nam đang chuyển dần sang xuất khẩu gạo chất lượng cao. Nửa đầu năm 2025, giá gạo xuất khẩu trung bình đạt trên 650 USD/tấn, tăng hơn 15% so với cùng kỳ 2024. Các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU đều mở cửa cho gạo Việt.

Theo ông Nhựt: “Thị trường gạo giờ không còn chỉ bán bằng số lượng, mà bán bằng chất lượng, bằng chứng nhận xuất xứ và tiêu chuẩn carbon thấp. Cần Thơ mở rộng có dư địa rất lớn để làm điều này, nhưng cũng cần chính quyền tạo cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp từ giống, kỹ thuật đến logistics, đặc biệt là nguồn vốn.”

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là những thách thức không nhỏ. Biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động trực tiếp tới ngành lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, sạt lở ngày càng phức tạp, đặc biệt là ở Sóc Trăng (cũ), diện tích đất sản xuất có nguy cơ bị nhiễm mặn gia tăng nhanh chóng theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam.

Ngoài ra, chuyển đổi cơ cấu sản xuất cũng là bài toán nan giải. Những năm qua, nhiều địa phương đã giảm diện tích lúa để chuyển sang nuôi trồng thủy sản hoặc trồng cây ăn trái. Nếu không có chính sách giữ đất lúa hợp lý, nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu trong dài hạn là điều cần được tính đến.

Một vấn đề khác là liên kết chuỗi giá trị vẫn còn yếu. Phần lớn nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, chưa gắn kết với doanh nghiệp xuất khẩu, dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”. Cần có thêm các mô hình liên kết hợp tác xã - doanh nghiệp - nhà khoa học để đảm bảo đầu ra bền vững.

Trả lời phóng viên Báo Công Thương, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - “cha đẻ” của giống gạo ST25 chia sẻ: “Cần Thơ được mở rộng thì vùng nguyên liệu được tập trung, chuỗi chế biến, xuất khẩu được liên kết chặt chẽ hơn, doanh nghiệp và nông dân cùng hưởng lợi. Tuy nhiên, cần giữ vững độ thuần, chất lượng sạch, và minh bạch chuỗi cung ứng, đặc biệt là cần bảo vệ thương hiệu gạo ST25 - loại gạo từng được bình chọn gạo ngon nhất thế giới”.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho biết: Cần Thơ mở rộng là cơ hội ‘vàng’ để tăng cường hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thủy sản, lúa gạo; khai thác tốt thị trường nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các đối tác, nguồn hàng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng thuận lợi, chủ động hơn khi tham gia vào chuỗi giá trị chế biến sâu với hàng hóa có chứng nhận, có thương hiệu.

“Cần Thơ mới là thời cơ để định hình lại ngành gạo miền Tây. Việc mở rộng địa giới hành chính không chỉ là thay đổi bản đồ, mà là thay đổi tư duy phát triển. Thay vì chỉ chạy theo sản lượng, giờ là lúc phải tập trung vào chất lượng, chuỗi giá trị và thương hiệu quốc gia”, ông Sơn chia sẻ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật