Lâm Đồng tăng cường liên kết chuỗi để nâng tầm nông sản vùng dân tộc
Lâm Đồng thúc đẩy chế biến sâu nông sản bằng máy móc hiện đại, chính sách khuyến công, kết nối vùng nguyên liệu để từng bước đưa sản phẩm vươn ra toàn cầu.
Khai phá lợi thế nông nghiệp vùng cao
Lâm Đồng - mảnh đất cao nguyên trù phú, là một trong những địa phương có tiềm năng nông nghiệp lớn nhất cả nước. Với điều kiện khí hậu ôn hòa, đất đỏ bazan màu mỡ, tỉnh sở hữu hàng loạt nông sản chủ lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số như cà phê, mắc ca, sầu riêng, bơ, điều, hồ tiêu, rau hoa ôn đới... Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, giá trị gia tăng của những sản phẩm này còn thấp, chủ yếu do xuất khẩu thô, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu hoặc đạt chuẩn xuất khẩu cao cấp.
Nhận thức rõ điều này, tỉnh Lâm Đồng đã có những chuyển động quyết liệt như đẩy mạnh cơ giới hóa, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, hình thành vùng nguyên liệu quy mô và liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước. Mục tiêu là làm mới chuỗi giá trị nông sản một cách toàn diện. Đây cũng là một trong những giải pháp của địa phương nhằm triển khai Quyết định 1719/QĐ‑TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Lâm Đồng triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, đặc biệt là nông sản của đồng bào dân tộc thiểu số
Thời gian qua, thông qua Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và hợp tác xã trong đầu tư dây chuyền chế biến. Chỉ tính riêng trong năm 2024, 15 đề án khuyến công được triển khai với tổng kinh phí hỗ trợ gần 1,84 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là các chương trình hỗ trợ máy móc chế biến cà phê, mắc ca, sầu riêng, điều… Đây là những sản phẩm đang có tiềm năng lớn trên thị trường xuất khẩu.
Công ty TNHH MTV An Phát (Gia Nghĩa) là một trong những đơn vị điển hình được hỗ trợ 290 triệu đồng từ khuyến công và tự đầu tư thêm hơn 1 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống sấy thăng hoa cho sầu riêng và mắc ca. Nhờ đó, công suất chế biến tăng gấp 10 lần, sản phẩm giữ được trên 90% dinh dưỡng và hương vị tự nhiên, đáp ứng yêu cầu thị trường cao cấp.
Tương tự, Công ty Cà phê Đất Đỏ tại huyện Đức Trọng được hỗ trợ đầu tư máy rang cà phê hiện đại công suất 22 kg/mẻ, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và ổn định năng suất. Tất cả các thiết bị đều được lựa chọn theo hướng tiết kiệm năng lượng, dễ vận hành và bảo trì, giúp doanh nghiệp nhỏ vươn lên mà không bị phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu quá đắt đỏ.
Doanh nghiệp không ngại đầu tư công nghệ
Không chờ chính sách, nhiều doanh nghiệp ở Lâm Đồng đã chủ động đầu tư hàng chục tỷ đồng để hiện đại hóa sản xuất. Công ty Macca Sachi Thịnh Phát là ví dụ điển hình, với dây chuyền chế biến mắc ca hoàn chỉnh từ thu hoạch, sấy khô đến đóng gói, tất cả đều khép kín và đạt chuẩn HACCP. Nhờ đầu tư bài bản, sản phẩm mắc ca Lâm Đồng không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn xuất hiện tại các siêu thị Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.
Hồng Đức - doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hạt điều rang muối hiện cũng đã xuất khẩu hơn 99% sản lượng sang Trung Quốc, nhờ áp dụng quy trình bảo quản hiện đại, giữ được độ giòn và hương vị nguyên bản.
Trong thời đại người tiêu dùng toàn cầu ngày càng quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm, Lâm Đồng đã tiên phong triển khai ứng dụng truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho các sản phẩm cà phê, sầu riêng, bơ, rau quả... Nông dân và doanh nghiệp đều được hướng dẫn ghi chép nhật ký canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, đảm bảo vùng trồng đạt chuẩn và có thể truy xuất thông tin từ “nông trại đến bàn ăn”.
Cơ sở hạ tầng số cũng được đầu tư bài bản: tỉnh phối hợp Viettel xây dựng hệ thống phần mềm quản lý mã vùng trồng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký nhanh chóng và quản lý hiệu quả.
Nhiều chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ được xây dựng thành công
Từ việc sản xuất manh mún, Lâm Đồng đang từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Nhiều cơ sở sơ chế nông sản như nấm, atiso, cà phê, sầu riêng đã được hình thành với sự tham gia của hàng nghìn hộ dân, trong đó có nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi vùng trồng đều có mã số, được giám sát kỹ thuật, kiểm soát chất lượng đầu vào và đầu ra.
HTX Nông nghiệp Buôn Choáh, xã Nam Đà liên kết sản xuất hơn 440 ha lúa gạo đặc sản gồm ST24, ST25. Theo đại diện HTX chia sẻ, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị lúa gạo. Thông qua liên kết, lúa gạo của HTX đã khẳng định uy tín trên thị trường trong nước và thế giới.
Trong chiến lược phát triển đến năm 2030, Lâm Đồng xác định mục tiêu: trở thành trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hàng đầu cả nước, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ và xuất khẩu.
Từ những thành công ban đầu, thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng xác định tiếp tục ưu tiên hỗ trợ vốn, đào tạo nhân lực, xây dựng hệ sinh thái logistics và tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất và chế biến, hướng tới phát triển bền vững.
Từ vùng cao nguyên xanh thẳm đến các thị trường khó tính trên thế giới, nông sản Lâm Đồng đang từng bước khẳng định vị thế nhờ công nghệ, liên kết chuỗi và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống. Đây không chỉ là “cú hích” cho một địa phương, mà còn là mô hình điển hình cho cả vùng Tây Nguyên và Việt Nam trong hành trình chuyển đổi nông nghiệp sang hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.