Tiêu điểm
Thứ tư, 23/07/2025 - 00:39
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông sản Việt: Ngon thôi chưa đủ

Cùng hương vị, nhưng một quả xoài trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ kết hợp với cách tiếp thị của người nông dân Nhật lại có giá trị bằng cả tạ xoài ở Việt Nam.

Trồng theo kinh nghiệm và rớt giá theo hiệu ứng domino

Giữa tháng 5/2025, những người trồng xoài tại xã Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa), thủ phủ xoài Úc của miền Trung rơi vào cảnh ngồi trên đống xoài chín mà không có người mua. Giá tại vườn chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg, mức không đủ để bù chi phí đầu vào như phân bón, nhân công, nước tưới. Theo các nhà vườn, nguyên nhân chính là do thị trường Trung Quốc, đầu ra lớn nhất của xoài Úc đột ngột ngừng thu mua, khiến toàn bộ chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Đã đến lúc người nông dân không thể tiếp tục “đánh cược” mùa màng với may rủi thị trường. Ảnh: Minh họa

Đã đến lúc người nông dân không thể tiếp tục “đánh cược” mùa màng với may rủi thị trường. Ảnh: Minh họa

Không chỉ xoài, sầu riêng, ổi, mít và cam sành cũng rơi vào cảnh tương tự. Nếu cách đây 5 - 7 năm, giá bán cam sành tại thị trường Hà Nội khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg, thì nay chỉ khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cam sành tại vườn xã Loan Mỹ (tỉnh Vĩnh Long) chỉ khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg. Để người trồng cam có lãi, giá bán ra tại vườn phải đạt ngưỡng gần 10.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Tiền Giang (cũ) nay là tỉnh Đồng Tháp, giá mít Thái thời điểm giữa tháng 6/2025 chỉ còn từ 500 - 2.000 đồng/kg tại vườn. Trường hợp nông dân đem mít tới vựa nhập trực tiếp được thêm 500 đồng/kg.

Mít ruột đỏ cũng giảm giá sâu, khi loại A1 trái đẹp (9kg trở lên) giá chỉ 11.000 đồng/kg, còn lại dao động giá từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân không thể thu hồi vốn, chứ chưa nói đến lợi nhuận.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, các loại trái cây chủ lực của Việt Nam thường tập trung thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Giai đoạn nhiều loại trái cây rộ vụ thu hoạch, nguồn cung lớn hơn cầu khiến nhiều mặt hàng trái cây dễ rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa, rớt giá.

Năm nay, dự báo thị trường xuất khẩu trái cây khó khăn hơn mọi năm do nhiều nước nhập khẩu lớn, trong đó có Trung Quốc đặt ra quy định mới nghiêm ngặt hơn về tiêu chuẩn chất lượng.

Trong khi cây trồng nào xuất khẩu tốt, có giá cao là nông dân đua nhau trồng, không quan tâm đến quy hoạch, định hướng thị trường. Nông dân vẫn trồng cây theo kinh nghiệm nên mỗi vườn một kiểu. Sự thiếu chuyên nghiệp, chưa có quy trình chuẩn cho toàn bộ chuỗi sản xuất là điểm yếu của trái cây Việt Nam khi tham gia vào thị trường xuất khẩu với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.

Không những vậy, chuỗi liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, thị trường còn lỏng lẻo. Trong khi doanh nghiệp chế biến thiếu nguyên liệu đạt chuẩn thì nhà vườn lại không có đầu ra ổn định, dẫn đến nghịch lý “vừa thừa, vừa thiếu”.

Câu chuyện không chỉ cây giống mà là cách làm

Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI diễn ra ngày 20/7, TS. Đinh Hùng Cường, Trưởng phòng R&D, Viện Hóa học nước biển Fukoda - Nhật Bản đã mang 2 loại nông sản từ Nhật Bản rất gần với người nông dân Việt Nam nhưng cũng rất đặc biệt đến giới thiệu với các đại biểu. Đó chính là những quả trứng gà được Vương quốc Bỉ công nhận là “trứng gà ngon nhất thế giới” và loại gạo ngon, chất lượng chỉ có trong những khách sạn và nhà hàng cao cấp của Nhật Bản.

Theo ông Cường, đây chỉ là hai trong số nhiều cây trồng, vật nuôi sử dụng loại phân bón, thức ăn sạch chăn nuôi theo công nghệ ion hóa để giúp cây trồng hấp thu tối đa dưỡng chất thay vì lãng phí ra môi trường như các loại phân hóa học truyền thống.

Cất công mang gạo, trứng gà "ngon nhất thế giới" về giới thiệu, để đại biểu được ăn thử, ông Đinh Hùng Cường chia sẻ, việc này không phải để chào hàng mà để truyền cảm hứng khởi nghiệp nông nghiệp xanh cho các bạn trẻ.

Ông Cường cho hay, giá trị của sản phẩm nông nghiệp nằm ở tính bền vững và tính an toàn. Nếu chỉ nói về hương vị thì xoài ở Việt Nam ngon không kém, nhưng một quả xoài trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ ở Nhật kết hợp với cách tiếp thị của người nông dân Nhật lại có giá trị bằng cả tạ xoài ở Việt Nam. “Những quả xoài ở Nhật Bản có giá khoảng 2,5 triệu đồng/quả. Nếu bỏ tiền ra mua một quả xoài ấy ở Nhật thì ở Việt Nam, tôi ăn no xoài cả tuần được", ông nói.

Đất đai màu mỡ, khí hậu đa dạng tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, chính thói quen sản xuất cũ kỹ, sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch… đang là những “nút thắt cổ chai” khiến nông sản Việt khó bước ra thế giới với vị thế xứng đáng.

Trong khi đó, hướng đi của nông nghiệp hiện đại là xanh hóa, bền vững, công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc và thương hiệu. Trong đó, những mô hình sản xuất hữu cơ không chỉ bán sản phẩm mà còn bán câu chuyện, giá trị văn hóa và trách nhiệm môi trường.

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp xanh ở Việt Nam vẫn gặp nhiều rào cản. Theo đó, chất đất đã nhiễm phân hóa học, cần nhiều năm để hồi phục. Chi phí sản xuất hữu cơ cao, năng suất thấp. Khó tiếp cận vốn, thiếu chính sách tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp sạch.

“Bản thân tôi đã phối hợp với một doanh nghiệp ở Đắk Lắk (cũ) thử nghiệm trên cây cà phê. Sản phẩm thu được là những hạt cà phê giàu hương vị, dưỡng chất. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, thử nghiệm, có một vấn đề là đất trồng ở Việt Nam đã nhiễm quá nhiều loại phân bón hóa học. Sản phẩm công nghệ của tôi muốn thành công phải ra một phiên bản khác hoặc phải đợi nhiều năm để đất hồi phục trạng thái hữu cơ”, ông Cường chia sẻ.

Dù vậy, nếu không thay đổi cách tiếp cận, câu chuyện “được mùa, mất giá” sẽ còn tái diễn. Đã đến lúc cần có một chiến lược quốc gia về phát triển nông nghiệp giá trị cao. Các chuyên gia khuyến nghị, cần quy hoạch lại vùng trồng, gắn với tín hiệu thị trường và khả năng tiêu thụ.

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu vùng miền, gắn với truy xuất nguồn gốc. Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ, kết nối thị trường. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi tín dụng và đất đai cho doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm sạch, bền vững.

Muốn trái cây Việt không còn cảnh ế ẩm, rớt giá, muốn một quả xoài Việt có thể sánh ngang với xoài Nhật, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi từ cách nghĩ, cách trồng, đến cách bán và làm thương hiệu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật