A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sóc Trăng: Hành tím hữu cơ mở hướng mới cho nông dân Vĩnh Châu

Chuyển đổi sang hành tím hữu cơ giúp nông dân thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) tăng lợi nhuận, giảm chi phí và bảo vệ môi trường, hướng đến xuất khẩu.

Tín hiệu tích cực từ mô hình canh tác mới

Hành tím là loại cây trồng truyền thống đã gắn bó với người dân thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng hàng chục năm qua. Không chỉ là sinh kế chính của hàng nghìn hộ dân nơi đây, hành tím Vĩnh Châu còn được biết đến rộng rãi trên thị trường trong nước và xuất khẩu nhờ hương vị đặc trưng, củ đều, màu đẹp và thời gian bảo quản tốt.

Tuy nhiên, những năm gần đây, trước áp lực của biến đổi khí hậu, sâu bệnh và xu hướng tiêu dùng nông sản sạch, an toàn ngày càng tăng, việc chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang hướng hữu cơ đã và đang trở thành hướng đi mới, bền vững cho người trồng hành tím ở Vĩnh Châu.

Sóc Trăng: Hành tím hữu cơ mở hướng mới cho nông dân Vĩnh Châu

Canh tác hành tím hữu cơ mang đến lối đi bền vững cho nông dân thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng).

Mô hình trồng hành tím hữu cơ được ngành nông nghiệp và môi trường tỉnh Sóc Trăng triển khai trong vài năm gần đây trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu với sự hỗ trợ về kỹ thuật, giống, phân bón và hướng dẫn quy trình canh tác. Ban đầu, mô hình chỉ được áp dụng trên một diện tích nhỏ, nhưng nhờ hiệu quả rõ rệt về kinh tế, chất lượng sản phẩm và lợi ích môi trường, nhiều nông dân đã chủ động tham gia và mở rộng diện tích.

Bà Thạch Thị Lành, nông dân tại phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Trước đây, tôi trồng hành theo phương pháp truyền thống, dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên đất ngày càng bạc màu, chi phí cao mà hiệu quả không ổn định. Từ khi chuyển sang trồng hữu cơ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, tôi thấy rõ sự khác biệt. Năng suất tăng từ 100 - 200kg/1.000 m², trong khi chi phí đầu tư lại giảm 500.000 - 1 triệu đồng. Với diện tích 2.000 m², tôi thu hoạch được 4,2 tấn/vụ, bán với giá 22.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 40 triệu đồng”.

Không chỉ bà Khương, nhiều nông dân khác cũng ghi nhận hiệu quả rõ rệt từ mô hình này. Ông Thạch Phước An, xã Vĩnh Hải, chia sẻ: “Tôi có 3.000 m² trồng hành thương phẩm theo hướng hữu cơ. Vụ vừa rồi trồng từ tháng 12 âm lịch và thu hoạch sau 60 ngày, sản lượng đạt 6,6 tấn, giá bán 22.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 60 triệu đồng. Quan trọng hơn là đất canh tác được cải tạo, vụ sau trồng dưa hấu cũng đạt năng suất và chất lượng cao hơn”.

Theo ông An, hành hữu cơ không chỉ được giá hơn hành trồng theo kiểu cũ mà còn đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường. “Tôi không dùng phân hóa học hay thuốc trừ sâu, mà chỉ sử dụng phân hữu cơ, thuốc vi sinh. Hành cho màu đẹp, củ đều, dễ bán. Đất sau vụ hành màu mỡ hơn nên trồng cây khác cũng dễ thành công”, ông chia sẻ thêm.

Hướng đi bền vững từ liên kết sản xuất đến tiêu thụ

Nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, nông nghiệp hữu cơ là mô hình sản xuất dựa trên chu trình sinh thái, không sử dụng hóa chất độc hại, đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cho cộng đồng, đồng thời gìn giữ tài nguyên đất và đa dạng sinh học.

Sóc Trăng: Hành tím hữu cơ mở hướng mới cho nông dân Vĩnh Châu
Diện tích hành tím hữu cơ trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu hơn 3,2 ha.

Từ lợi ích nông nghiệp hữu cơ đem lại cho hệ sinh thái, đặc biệt là sức khỏe con người, ngành nông nghiệp và môi trường tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng Đề án nông nghiệp hữu cơ, giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản để triển khai đến các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hành tím là loại cây màu đặc thù của thị xã Vĩnh Châu được đề án triển khai thực hiện. Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích phát triển hành tím hữu cơ trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu hơn 3,2 ha. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và môi trường tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng hành tím hữu cơ theo đề án đến nông dân trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu.

Ngoài ra, việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm hữu cơ cũng đang được ngành nông nghiệp quan tâm nhằm đảm bảo đầu ra ổn định, giá trị cao cho sản phẩm. Hành tím hữu cơ hiện được lựa chọn để trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội nghị, hội chợ trong và ngoài tỉnh, góp phần khẳng định thương hiệu và tiềm năng phát triển của sản phẩm.

Trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp, ngày càng được khẳng định. Ông Thạch Dil - Giám đốc Hợp tác xã hành tím Vĩnh Châu - chia sẻ: “Hợp tác xã chúng tôi hiện có hàng chục thành viên tham gia mô hình trồng hành hữu cơ. Thành viên được hỗ trợ tập huấn, tiếp cận kỹ thuật mới, giảm chi phí đầu vào và nâng cao chất lượng sản phẩm. Quan trọng nhất là chúng tôi đã từng bước xây dựng được niềm tin với đối tác tiêu thụ nhờ sản phẩm ổn định và an toàn”.

Ông Thạch Dil cũng cho biết thêm, hành tím hữu cơ có giá cao hơn từ 10 - 15% so với hành thường và được các doanh nghiệp thu mua ưu tiên. Hợp tác xã hiện đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn để xây dựng vùng nguyên liệu hành hữu cơ đạt chuẩn xuất khẩu, đồng thời phát triển mô hình chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.

“Chúng tôi kỳ vọng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều hộ nông dân tham gia vào hợp tác xã và chuyển sang canh tác hữu cơ. Khi số lượng tăng, vùng nguyên liệu mở rộng, việc đàm phán với doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn”, ông Thạch Dil nhấn mạnh.

Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Môi trường thị xã Vĩnh Châu, diện tích hành tím mỗi năm tại địa phương đạt khoảng 7.000 ha. Trong đó, hơn 32% diện tích đã áp dụng quy trình VietGAP và canh tác theo hướng hữu cơ. Mặc dù con số này còn khiêm tốn so với tổng diện tích trồng, nhưng đây là tín hiệu tích cực cho thấy xu hướng chuyển đổi đang được nông dân đón nhận.

Việc chuyển đổi sang sản xuất hành tím hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và nâng tầm thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương. Với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền, ngành chuyên môn và sự đồng thuận từ người dân, mô hình hành tím hữu cơ tại Vĩnh Châu đang từng bước khẳng định là hướng đi đúng đắn và bền vững trong tương lai.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật