Nhưng vẫn không đi ra khỏi những yếu tố tao nhã, tinh tế và ngày nay, trồng cây kiểng (trồng cây cảnh), thú chơi cây kiểng này góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, cũng đã tạo nên những làng nghề, những nghệ nhân, trở thành một thú vui thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng cái đẹp và cũng là một nghề “hái ra tiền”.
|
Từ phôi cây sau 4 năm, nghệ nhân trẻ Đình Toàn đã tạo nên tác phẩm cây kiểng có giá trị hàng trăm triệu đồng. |
|
Lối chơi cây kiểng cổ xưa. |
Nghệ nhân quốc gia Nguyễn Minh Thành (Tư Đen), chuyên về kiểng cổ, lối chơi xưa, cho biết: “Nhiều người yêu cây kiểng đã dành hàng chục năm hoặc suốt cuộc đời để hoàn chỉnh một thế cây với những nguyên tắc tạo hình tỉ mỉ, nghiêm ngặt.
Mỗi người có cách cảm nhận và thổi hồn vào cây khác nhau, vì thế cũng tạo ra các bồn cảnh có dáng vẻ và biểu đạt ý tưởng khác nhau. Người lớn tuổi thích mô phạm, thích kiểu dáng chịu ảnh hưởng của Nho giáo thì tạo những thế cây: Phúc- Lộc- Thọ, ngũ phúc, phụ tử, mẫu tử, huynh đệ, long thăng, long giáng...
Người trẻ tuổi thích phóng khoáng, lãng mạn thì tạo thế cây hoành (nằm ngang), thế huyền (đổ xuống như thác đổ), thế bạt phong (gió thổi bạt về một phía nhưng cây vẫn hiên ngang đứng vững)... và nhiều biến thể khác”. Người chơi cây kiểng không chỉ đầu tư bằng tiền, mà còn là cả sự đam mê, sáng tạo và tình yêu thiên nhiên mê đắm.
Ngoài vấn đề am hiểu sâu sắc về nghệ thuật tạo hình cho cây, nghệ nhân phải là người thổi hồn vào cây để người xem quên đi đây là một cây cảnh, chỉ thấy hiện lên một thiên nhiên kỳ vĩ, hài hòa. Theo các nghệ nhân chơi kiểng, mỗi thế kiểng đều thể hiện một tính cách độc đáo riêng.
Trong chơi cây kiểng thường chú ý đến 4 yếu tố là: nhất hình, nhì thế, tam chi, tứ diệp. Chính điều này ta thấy cây cảnh uốn lượn thành 3 tầng, 4 phân đoạn, 5 chùm nhánh là để tượng trưng cho tam cương, ngũ thường, tam tòng và tứ đức.
Nghệ thuật chơi cây kiểng làm phong phú cuộc sống hàng ngày của con người, bởi lẽ sau mỗi tác phẩm kiểng hoàn thành mang dáng dấp lẫn ý nghĩa khác nhau, nhất là ngồi bên ấm trà mọi người cùng nhau đàm đạo, bàn luận về sự đời, rồi ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng được thu hẹp trong chậu kiểng mini đặt trên bàn nước sẽ cảm thấy tâm hồn thật nhẹ nhàng, thoải mái.
Tuy nhiên, lối chơi kiểng cổ đòi hỏi sự kỳ công, rất mất thời gian và cũng để thoát ra những khái niệm ảnh hưởng của đạo giáo ngày xưa, thú chơi sinh vật cảnh ngày nay hướng đến sự phóng khoáng tự do, không câu nệ, mà hướng đến tái tạo không gian gần với thiên nhiên, tự nhiên hơn.
Do đó, đã tạo nên trào lưu chơi sinh vật cảnh đa dạng, có sự tiếp cận giao lưu với nhiều nước trên thế giới, nên cũng có rất nhiều người trẻ tham gia, lớp nghệ nhân trẻ đam mê, giỏi nghề, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật mới, có khả năng giao lưu nhiều trường phái với các bạn bè ở các nước.
Làm đẹp cho đời, làm giàu bản thân bằng nghề trồng cây kiểng
Nghệ nhân quốc gia Huỳnh Văn Thu chuyên về bonsai cho rằng: “Thú chơi hoa kiểng ngày càng rộng mở thêm nhiều lĩnh vực, đáp ứng nhiều nhu cầu đam mê, thụ hưởng khi kinh tế- xã hội ngày càng phát triển.
Nhiều người đam mê cùng tập hợp thành những CLB, những nhóm người cùng bộ môn trao đổi, giao lưu lẫn nhau. Mở ra nhiều cơ hội phát triển các trào lưu mới, kỹ thuật, giống cây, hoa mới và cơ hội trao đổi, mua bán cũng trở nên bùng phát mạnh mẽ thông qua mạng xã hội. Điều này có nhiều cái lợi, nhưng cũng có những tác hại khó lường”.
Để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng về cây kiểng, bonsai ngày nay đã ứng dụng nhiều kỹ thuật rút ngắn quá trình tạo tác một tác phẩm hoàn chỉnh. Nếu như một cặp kiểng cổ xưa đòi hỏi sự chăm sóc công phu qua hàng chục năm, có khi trải mấy đời hàng trăm năm, thì ngày nay cũng có thể tạo nên một tác phẩm bonsai loại thị trường chỉ trong vòng 3- 4 năm; nhưng vẫn có thể định giá vài chục triệu đến hàng trăm triệu là bình thường.
Từ một phôi cây linh sam mua về đã cắt trơ trụi chỉ còn thân có giá trên 10 triệu, nghệ nhân trẻ Đình Toàn phác họa hình thế để nuôi dưỡng, tạo chi trong vòng 4 năm, giờ đã tạo được một tác phẩm bonsai có giá trên 100 triệu đồng.
Anh được đánh giá là nghệ nhân bonsai trường phái tạo lũa Nhật Bản xuất sắc trong lớp người mới ở Vĩnh Long. Những đường nét tạo lũa thép vừa lão hóa già nua, vừa nuột nà mềm mại, hằn rõ dấu ấn trăm năm của thời gian lên tác phẩm.
Chỉ một dáng cây cũng tỏa ra hồn cốt cả một không gian khi trầm mặc, lúc uyển chuyển điệu đàng, mà ẩn chứa sức sống vươn lên mãnh liệt khi mầm xanh bật lên tốt tươi từ dáng lũa già nua như sắp lụi tàn.
Đây không chỉ đơn giản là một thú tiêu khiển, giải trí tầm thường mà nó đã trở thành một loại hình văn hóa.
Việc trồng kiểng, chơi kiểng trong thế giới sinh vật cảnh nói chung là cả một nghệ thuật công phu, tinh tế mà người chơi không phải chỉ có lòng đam mê nghệ thuật mà còn phải có đôi mắt thẩm mỹ, biết thưởng thức cái đẹp, phải có đôi bàn tay tài hoa để phản ánh được nhận thức thẩm mỹ và nhân sinh quan của con người.
Và trên hết là tài biết cách chọn lọc giống cây để tạo tác và đặt tên cho những dáng thế khác nhau làm cho gốc kiểng vô tri trở thành những tạo vật có tính biểu tượng triết lý và tính giáo dục sâu sắc.
Theo Ngọc Trảng (Báo Vĩnh Long/Dân Việt)