Đưa đặc sản vùng sâu, miền núi, hải đảo vươn xa
Tiềm năng sản xuất hàng hóa của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo rất lớn với nhiều sản vật được thiên nhiên ban tặng.
Tuy nhiên, nhiều sản phẩm được ít người biết tới do công tác quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm còn hạn chế. Để đưa sản phẩm hàng hóa của khu vực này phát triển còn nhiều việc phải làm, trong đó cần đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Nhiều sản phẩm vùng sâu, vùng xa hút khách
Trước đây, người dân trồng dừa ở Trà Vinh thường lo lắng khi vườn dừa tới ngày thu hoạch mà không có thương lái tới thu mua. Giờ đây, họ yên tâm sản xuất khi nghề thu mật truyền thống từ hoa dừa của đồng bào Khmer gần như bị thất truyền đã được khôi phục lại. Việc khai thác mật hoa dừa không chỉ giúp nông dân trồng dừa gia tăng giá trị kinh tế lên tới 3-5 lần, mà quan trọng hơn cả là ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Đó là “trái ngọt” đến từ mô hình khởi nghiệp sản xuất và phân phối các sản phẩm từ mật hoa dừa, do người phụ nữ Khmer Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm khởi xướng. Với kiến thức được học về ngành công nghệ thực phẩm, Thạch Thị Chal Thi đã cùng chồng mày mò nghiên cứu, khôi phục lại nghề thu mật dừa truyền thống.
Sau hơn 3 năm ra đời, sản phẩm mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm đã được người tiêu dùng công nhận là đặc sản Trà Vinh, hiện có mặt tại hơn 30 tỉnh, thành phố trong nước và đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan...
“Để đưa sản phẩm mật dừa có chỗ đứng tại các chợ, siêu thị trong cả nước và xuất khẩu, Công ty TNHH Trà Vinh Farm đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh Trà Vinh trong việc xây dựng thương hiệu, nguồn vốn, thúc đẩy thương mại miền núi. Thương mại hóa sản phẩm nếu bắt nguồn từ văn hoá địa phương, kết hợp với lợi thế vùng, miền và công nghệ để khẳng định chất lượng, sản phẩm sẽ được lan tỏa xa hơn”, chị Thạch Thị Chal Thi chia sẻ.
Không chỉ có các sản phẩm đặc trưng của Trà Vinh, thời gian qua, với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương thông qua triển khai chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, nhiều đặc sản vùng, miền đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Điển hình như, xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sa Pa, rượu sim Phú Quốc, tỏi Lý Sơn, hải sản Côn Đảo, xoài tròn Yên Châu, vải Lục Ngạn, nhãn Sông Mã...
Theo bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương là đơn vị đầu mối triển khai Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020. Chương trình được triển khai trên địa bàn 287 huyện có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Qua 5 năm triển khai, chương trình đã thúc đẩy phát triển các sản phẩm hàng hóa có thương hiệu đặc trưng, đặc sản của các vùng nói trên. Chương trình kết nối được hơn 60 doanh nghiệp với hơn 80 hợp đồng để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối trong cả nước cũng như phục vụ xuất khẩu. Chương trình cũng đã xây dựng và duy trì chuyên trang thông tin về sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo (website: www.sanphamvungmien.vn) để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đối với những mặt hàng là lợi thế của các địa phương.
Ở góc độ doanh nghiệp tham gia tích cực vào chương trình, ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành khối cửa hàng Big C/GO khu vực Hà Nội và miền Bắc, Tập đoàn Central Retail Việt Nam nhấn mạnh, Tập đoàn có những giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của những hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình người dân tộc thiểu số. Những hộ gia đình nói trên sở hữu sản phẩm đặc thù, có giá trị thương mại nhưng không biết cách tiêu thụ như thế nào. Trong hệ thống của Tập đoàn Central Retail Việt Nam, các sản phẩm bí của Bắc Kạn, rau của Sa Pa (Lào Cai), Vân Hồ (Sơn La)... đã có mặt từ năm 2017 đến nay. Sự hỗ trợ này đã góp phần giúp cho đời sống của các hộ nông dân đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rất nhiều.
Gắn kết du lịch và thương mại
Nhiều đặc sản, sản phẩm vùng sâu, miền núi, hải đảo của Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển, mang lại giá trị thương mại lớn. Nhưng hiện nay, những loại hàng hoá này vẫn được ví như “của chìm” vì chưa được người tiêu dùng biết đến rộng rãi.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần có chính sách khai thác hiệu quả yếu tố đặc trưng văn hóa, dân tộc, đặc sản vùng, miền, tinh hoa sản phẩm của mỗi địa phương. Đây là yếu tố cốt lõi để đưa các sản phẩm, nhất là những sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Có cùng cách nhìn nhận, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, cần gắn kết du lịch và thương mại, đây là kênh hiệu quả để thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Song nhìn ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, ở nhiều vùng hiện nay nông dân chưa thoát khỏi hình thái kinh tế nhỏ lẻ. Để hình thành và phát triển sản xuất hàng hóa, cơ quan quản lý cần phải xây dựng được quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, gắn sản xuất với chế biến, gắn sản xuất với thị trường; làm tốt các khâu cung ứng vốn, đào tạo sản xuất cho nông dân...
Gợi ý những giải pháp đưa đặc sản các địa phương vươn xa, ông Lê Mạnh Phong phân tích, trong kinh tế thị trường hiện đại có một nét mới, đó là thương mại quyết định sản xuất. Ai nắm được thị trường thì sẽ quyết định được sản xuất. Nhưng ngược lại, có một nguyên lý cũng không bao giờ thay đổi, đó là chất lượng sản phẩm quyết định sự ổn định và sự mở rộng thị trường trong tương lai.
Còn ông Toàn Trịnh, Giám đốc khu vực miền Bắc Amazon Global Selling Việt Nam đánh giá, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển, thương mại điện tử được cho là “đường đi” ngắn nhất để các đặc sản, hàng hóa đặc trưng vùng, miền đi ra thế giới. Thương mại điện tử không chỉ là lãnh địa dành cho các "ông lớn" mà ngay cả những nhà bán hàng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ giờ đây cũng có thể nắm bắt để khởi nghiệp thành công.