A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường xuất hiện yếu tố kéo đà giảm của giá cà phê chậm lại

Nhu cầu cà phê từ các nhà nhập khẩu châu Âu tăng, yếu tố thời tiết tác động đến sản lượng mùa vụ tới,… đây là những yếu tố kéo đà giảm của giá cà phê chậm lại.

Thị trường xuất hiện yếu tố kéo đà giảm của cà phê chậm lại

Tháng 6/2024, giá cà phê Robusta và Arabica trên thị trường thế giới đồng loạt giảm mạnh so với cuối tháng 5/2024. Nguyên nhân là do đồng Real của Brazil giảm xuống mức thấp nhất trong 19 tháng so với đồng USD, đã khuyến khích người trồng đẩy mạnh bán ra. Mặt khác, thời tiết tại Brazil dự báo sẽ có mưa tại các vùng trồng cà phê của nước này cũng góp phần làm giảm lo ngại về hạn hán vốn đang gây áp lực lên giá cà phê.

Thị trường xuất hiện yếu tố giúp đà giảm của cà phê chậm lại

Thị trường xuất hiện yếu tố giúp đà giảm của cà phê chậm lại

Bên cạnh đó, giới đầu cơ đã cắt giảm vị thế mua ròng và tồn kho cà phê Arabica đã qua phân loại được chứng nhận nắm giữ trên thị trường New York cũng đã tăng 3.849 bao vào ngày 25/6/2024.

Dưới góc nhìn của giới phân tích kỹ thuật, thực chất đây là thời điểm thanh lý vị thế trước khi tháng 7 hết thời hạn giao dịch. Với một khối lượng đã mua vào tương đương với một nửa sản lượng của Việt Nam, thị trường khó mà giữ được sự ổn định giữa các đợt thanh lý và ngừng thanh lý.

Tuy nhiên, thị trường xuất hiện yếu tố kéo đà giảm của cà phê chậm lại. Hiện nhu cầu cà phê từ các nhà nhập khẩu châu Âu tăng do xu hướng tích trữ hàng tồn kho trước thời hạn tuân thủ các tiêu chuẩn Quy định phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR). EUDR được đưa ra nhằm mục đích giảm thiểu việc nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng và yêu cầu các biện pháp thẩm định và truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt đối với các mặt hàng trong đó có cà phê.

Trên thị trường, sau đợt điều chỉnh giảm 30% vào cuối tháng 4, giá cà phê Robusta trên Sở Giao dịch liên lục địa (ICE-EU) đã nhanh chóng quay về mức đỉnh lịch sử, trên 4.000 USD/tấn. Tương tự, giá cà phê nhân xô tại Việt Nam tính đến ngày 9/7 đã tăng hơn 25% so với đáy điều chỉnh vào đầu tháng 5, vượt lên mức 122.000 đồng/kg.

Giá cà phê trở lại mức cao chủ yếu do lo ngại nguồn cung thắt chặt từ hai quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam. Tại Việt Nam, mưa từ đầu tháng 5 không đủ để giải tỏa hoàn toàn áp lực thiếu nước do nắng nóng kéo dài 4 tháng đầu năm. Sản lượng cà phê vụ 2024 - 2025 dự kiến giảm 10 - 16% so với vụ hiện tại, xuống mức thấp nhất trong 13 năm.

Xuất khẩu cà phê đã thu về 3,22 tỷ USD

Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2024, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 85 nghìn tấn, trị giá 382 triệu USD, tăng 7,1% về lượng và tăng 12,5% về trị giá so với tháng 5/2024, so với tháng 6/2023 giảm 40% về lượng nhưng tăng 0,4% về trị giá.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu cà phê ước đạt 902 nghìn tấn, trị giá 3,22 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng, nhưng tăng 34,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cà phê bình quân xuất khẩu của Việt Nam đạt mức 4.489 USD/ tấn trong tháng 6/2024, tăng 5,0% so với tháng 5/2024 và tăng 67,3% so với tháng 6/2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.570 USD/tấn, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về cơ cấu chủng loại, tháng 5/2024, xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê giảm so với tháng trước, ngoại trừ cà phê chế biến. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê Robsuta giảm; nhưng xuất khẩu cà phê Arabica, cà phê Excelsa và cà phê chế biến tăng trưởng khả quan.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê Robusta giảm 9,6% về lượng, nhưng tăng mạnh 42,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 705,61 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 2,28 tỷ USD. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê Robusta chiếm 80,36% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước trong 5 tháng đầu năm 2024, cao hơn so với tỷ trọng 79,15% trong 5 tháng đầu năm 2023. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu cà phê Robusta của Việt Nam gồm: Đức, Italia, Tây Ban Nha, Nga, Hoa Kỳ, Indonesia, Hà Lan… Kim ngạch xuất khẩu cà phê Robusta sang tất cả các thị trường trên tăng trưởng khả quan.

Đối với cà phê Arabica, trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu cà phê Arabica đạt trên 39,74 nghìn tấn, trị giá 123,32 triệu USD, tăng 45,6% về lượng và tăng 15,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu cà phê Arabica của Việt Nam gồm: Đức, Phần Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan, Indonesia, Bỉ… Kim ngạch xuất khẩu cà phê Arabica sang hầu hết các thị trường trên tăng trưởng khả quan, ngoại trừ Hà Lan và Bỉ.

Dự báo, giá cà phê khó vượt đỉnh 135.000 đồng/kg

Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa) nhận định, yếu tố thời tiết không thuận lợi kết hợp với sự bùng phát của rệp sáp cùng nhện đỏ sẽ làm giảm sản lượng vụ Robusta tiếp theo ở Việt Nam từ 15% đến 20%.

Theo ước tính của Vicofa, sản lượng cà phê Robusta vụ 2023/2024 là khoảng 26,7 triệu bao, vụ mùa tiếp theo 2024/2025 của Việt Nam sẽ ở mức từ 21,40 đến 22,70 triệu bao. Con số này thấp hơn đáng kể so với dự báo sơ bộ của Vicofa trước đây là 24 triệu bao và thấp hơn nhiều so với ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã đưa ra mới đây là 27,85 triệu bao.

Dự báo từ các chuyên gia cho thấy La Nina sẽ thay thế El Nino vào cuối năm nay tại Việt Nam. Đây được coi là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường cà phê. Mặt khác, hoạt động thu hoạch cà phê vụ 2024 - 2025 tại Brazil bắt đầu sớm từ cuối tháng 4 nhưng chất lượng quả không đồng đều, làm hạn chế kỳ vọng về sản lượng. Báo cáo lần thứ hai của Cơ quan cung ứng mùa vụ Brazil (CONAB) đã cắt giảm 600.000 bao cà phê Robusta so với báo cáo lần đầu, xuống còn 16,7 triệu bao.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc Sở Giao Dịch Hàng Hóa Việt Nam (MXV), yếu tố thời tiết, đặc biệt là lo ngại sương giá tại Brazil, sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường trong tháng 7. Sự bổ sung nguồn cung từ Brazil không thể bù đắp hoàn toàn thiếu hụt từ Việt Nam. Do đó, giá cà phê trong đầu quý III có thể tiếp tục ở mức cao nhưng chưa thể vượt đỉnh lịch sử gần 135.000 đồng/kg.

Dựa trên lịch sử, MXV đưa ra hai kịch bản cho giá cà phê cuối năm khi La Nina thay thế El Nino. Theo đó, ở kịch bản thứ nhất, La Nina thúc đẩy mưa bão và lũ lụt tại Tây Nguyên vào cuối năm, làm cản trở thu hoạch cà phê vụ 2024 - 2025. Nguồn cung thắt chặt sẽ khiến giá cà phê nhân xô tại Việt Nam tăng vọt và có thể vượt đỉnh lịch sử thiết lập trong tháng 4.

Ở kịch bản thứ hai, La Nina không gây mưa bão lớn, sản lượng cà phê không giảm nghiêm trọng hơn hiện tại. Thị trường vẫn lo ngại về thời tiết, kết hợp với sản lượng dự báo thấp, khiến giá duy trì ở mức cao nhưng không vượt đỉnh lịch sử.

Dù kịch bản nào xảy ra, nguồn cung cà phê Robusta trên thế giới cũng như cà phê nội địa của Việt Nam vẫn sẽ thắt chặt trong vụ 2024-2025. Điều này đồng nghĩa với việc giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ sẽ tiếp tục neo ở mức cao so với các năm trước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật