A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu vải thiều bằng đường sắt: Tránh ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu

Ngành đường sắt vừa thử nghiệm vận chuyển lô vải thiều tươi Lục Ngạn (Bắc Giang) xuất khẩu sang Trung Quốc bằng container lạnh trên tàu liên vận quốc tế.

Thời gian thông quan nhanh hơn

Tính toán sơ bộ, với 1 container hàng được bảo quản lạnh vận chuyển từ Lục Ngạn (Bắc Giang) đi Bằng Tường (Trung Quốc) có giá khoảng 30 triệu đồng và container thường khoảng gần 20 triệu đồng.

Về thời gian di chuyển, sau khi đóng đủ hàng (khoảng 20 container/chuyến) từ Lục Ngạn đến Bằng Tường dự kiến 12 giờ (bao gồm cả thời gian làm thủ tục thông quan).

Xuất khẩu vải thiều bằng đường sắt: Tránh ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu
Ngành đường sắt vừa thử nghiệm vận chuyển lô vải thiều tươi Lục Ngạn sang Trung Quốc bằng container lạnh

Theo quy trình, đơn vị vận chuyển sẽ đưa container lạnh chuyên dùng đến kho của doanh nghiệp. Sau khi hàng hóa được đóng gói và xếp hàng lên container sẽ đưa về ga Kép để lập tàu liên vận quốc tế chạy đến ga cửa khẩu Đồng Đăng, hoàn tất các thủ tục để xuất khẩu hàng. Toàn bộ lô hàng thử nghiệm sau khi sang Trung Quốc đã hoàn tất thủ tục tại Bằng Tường, rồi được vận chuyển đi tiếp đến chợ Nghĩa Hưng (Thượng Hải) để giới thiệu.

Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng đánh giá: So với đường bộ thì vận chuyển bằng đường sắt không chỉ giảm giá cước vận chuyển mà quan trọng hơn thời gian nhanh hơn, tránh được tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu.

Đại diện ngành đường sắt cho biết, lô hàng chỉ 3 tấn vải thiều tươi nhưng là bước đi thử nghiệm để có thể khai thông, nhanh chóng vận chuyển chính thức vải thiều tươi đang vào mùa vụ 2023 xuất khẩu bằng tàu liên vận.

Sau lô hàng thử nghiệm này, Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) - 1 trong những đơn vị vận chuyển sẽ tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng để xuất khẩu các lô hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là mặt hàng trái cây tươi.

Để vận chuyển lượng lớn vải thiều tươi xuất khẩu chính ngạch bằng đường sắt, đơn vị đã chuẩn bị các phương tiện vận tải hàng hóa chuyên dùng có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển từ 200 - 300 tấn vải thiều tươi/ngày, trong đó vận chuyển vải thiều tươi bằng tuyến đường sắt liên vận quốc tế đến các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) và cả thị trường các tỉnh phía Nam trong nước.

Đảm bảo dịch chuyển vận tải qua đường sắt

Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua vải thiều để xuất khẩu, ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - cho biết: Huyện cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều; chỉ đạo cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất như: Nguồn vốn, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, điểm cân, mua vải thiều tập trung, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác...

Đại diện cho 1 trong những đơn vị vận chuyển hàng hóa qua đường sắt, ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt – cho biết: Ratraco có nhiều tuyến vận chuyển hàng hóa qua đường sắt từ Việt Nam đến ga nội địa Trung Quốc, Mông Cổ, Nga, châu Âu. Với dịch vụ vận tải như trên, người dân, doanh nghiệp thu mua vải thiều Lục Ngạn có thể lựa chọn thêm kênh vận chuyển tiêu thụ vải thiều bằng đường sắt thay vì chủ yếu bằng đường bộ như hiện nay.

"Hiện, đơn vị đủ khả năng cung cấp các dịch vụ như khai báo hải quan; vận chuyển vải thiều từ vườn đến nơi tiêu thụ, bảo đảm phương tiện, bốc xếp, dỡ hàng; thiết bị có thể bảo quản vải thiều tươi 3 - 4 ngày. Đặc biệt, xuất khẩu vải thiều qua đường sắt đòi hỏi các thủ tục như xuất khẩu chính ngạch nên công ty sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng dẫn chi tiết, cụ thể các phần việc để hỗ trợ khách hàng vận chuyển bằng đường sắt thuận lợi nhất", ông Hùng cho hay.

Việc ga Kép được khai thác liên vận quốc tế, cơ quan hải quan vừa thành lập tổ hải quan tại ga Kép sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các thủ tục hải quan. Hàng hóa nói chung, trong đó có vải thiều thực hiện thông quan tại ga Kép, sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc mà không bị ách tắc, thuận lợi tiêu thụ sản phẩm cũng như hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam.

Với phương châm coi trọng tất cả thị trường, cả trong nước và nước ngoài, năm nay huyện Lục Ngạn có nhiều đổi mới trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Ngay khi bước vào mùa vải chín, nhiều nhà vườn đã chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh vải thiều gắn với khai thác phát triển du lịch nông nghiệp miệt vườn, sinh thái, trải nghiệm, du lịch văn hóa, cộng đồng; liên kết với doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour tham quan, thưởng thức vải thiều…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật