Chung tay tiêu thụ sản phẩm của bà con vùng dân tộc
Tiêu thụ sản phẩm cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những hoạt động trọng tâm được Bộ Công Thương và các doanh nghiệp thực hiện.
![]() |
Tiêu thụ sản phẩm cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những hoạt động trọng tâm được Bộ Công Thương và các doanh nghiệp thực hiện. |
Là chủ đầu tư một trong những kênh thương mại điện tử chuyên tiêu thụ nông sản – sàn thương mại điện tử nongsan.buudien.vn, những năm qua, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã nỗ lực tìm giải pháp tiêu thụ cho nhiều loại nông sản của miền núi, vùng đồng bào dân tộc như nông sản Lục Ngạn - Bắc Giang, xoài, mận tại Sơn La, cam Cao Phong tại Hòa Bình, dưa lưới tại Ninh Thuận… Ông Phạm Quyết Tiến - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Sàn thương mại điện tử Nông sản Bưu điện (nongsan.buudien.vn), Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cho biết, để hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản miền núi, vùng dân tộc thiểu số hiệu quả, Vietnam Post đã đưa ra 4 giá trị cốt lõi khác biệt so với những nền tảng sàn thương mại điện tử khác. Thứ nhất, chất lượng là tiêu chí hàng đầu của sản phẩm, bao gồm quy trình chọn lựa từ nhà vườn, từ hộ sản xuất đến chế biến, đưa sản phẩm ra thị trường được thực hiện nghiêm ngặt. Điều kiện để sản phẩm nông sản của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào hệ thống nông sản bưu điện là phải đáp ứng những tiêu chuẩn hiện hành như VietGAP hoặc GlobalGAP. |
![]() |
Thứ hai, gia tăng giá trị văn hóa của sản phẩm thông qua việc kể những câu chuyện về sản phẩm và nêu ra sự khác biệt của sản phẩm so với những sản phẩm tương đồng trên thị trường. Thứ ba, tập trung vào marketing, bán hàng livestream thông qua nền tảng số, thu hút lượng truy cập và thúc đẩy đơn đặt hàng thông qua nền tảng sàn thương mại điện tử nongsan.buudien.vn. Thứ tư, tận dụng hệ thống logistics sẵn có để thực hiện phương án giao hàng một cách nhanh nhất, chính xác nhất và an toàn nhất. Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam là một trong những kênh phân phối đã hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi – một trong những hoạt động quan trọng mà Bộ Công Thương đặt ra. Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh đất nước đổi mới và ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Đây là những khu vực có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế các vùng đặc biệt khó khăn, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển các vùng khó khăn theo phạm vi quản lý Nhà nước được giao. Các chính sách này bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn. |
![]() |
Trong đó, nhìn chung, các hoạt động đã đem lại những kết quả khả quan về mức tăng trưởng hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, thúc đẩy phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của vùng dân tộc thiểu số và miền núi để đưa vào hệ thống phân phối trong cả nước và phục vụ xuất khẩu. Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai rất nhiều các đề án, nhiệm vụ, tập trung chủ yếu vào các nội dung chính như: Xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế; các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương; phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực gắn với hoạt động du lịch; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử phục vụ phát triển thương mại tại khu vực dân tộc và miền núi; phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn… Đáng chú ý, Bộ Công Thương chú trọng vào các hoạt động kết nối cung cầu để thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá nông sản, các sản phẩm có thế mạnh đặc trưng của các địa phương để có thể thu hút được các thương nhân, các doanh nghiệp đầu tư phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm, hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản; tổ chức các hội nghị/hội thảo/hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nhằm kết nối tiêu thụ ổn định vào chuỗi phân phối các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu; xây dựng các mô hình phát triển các sản phẩm đặc trưng… |
![]() |
“Những giải pháp, những hoạt động nêu trên đã giúp hình thành nên chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững để có thể hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh của các địa phương ở khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” – ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho biết. |
Thực tế triển khai các giải pháp tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp cũng nhận thức rõ ràng, sản phẩm này được người dân Thủ đô và các khu vực trung tâm, thành phố rất ưa chuộng. Bà Nguyễn Thị Dân - Trợ lý giám đốc Chuỗi cửa hàng Thực phẩm sạch Bác Tôm chia sẻ, những sản phẩm đặc sản vùng miền nói chung và các sản phẩm đặc sản vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc hiện đã trở thành những sản phẩm chiến lược mũi nhọn và chiếm tỷ trọng từ 60 - 70% doanh thu bán hàng của Bác Tôm. |
![]() |
Bác Tôm cũng nhận thấy khi kinh doanh những sản phẩm này thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng đây lại trở thành lợi thế rất tốt của Bác Tôm. Bởi vì xuất phát điểm của Bác Tôm là những người làm dự án nông nghiệp, gần gũi và có thể kết nối với bà con nông dân khá nhiều nên Bác Tôm cảm thấy mình hiểu nhiều hơn về những sản phẩm đặc sản vùng miền. Đồng thời mong muốn sẽ truyền tải được những thông điệp của các sản phẩm đó là có chất lượng tốt, có nét đặc trưng văn hoá riêng của các vùng miền đến với người tiêu dùng Thủ đô nói chung và những khách thập phương nói riêng. Điểm hấp dẫn nhất mà khách hàng hướng tới những sản phẩm đặc sản vùng miền, nhất là những đặc sản của vùng dân tộc thiểu số và miền núi là chất lượng của sản phẩm chứ không phải là mẫu mã. Bởi về cơ bản, mẫu mã của những sản phẩm này so với những sản phẩm đại trà của thị trường thì đa phần không bắt mắt bằng nhưng rất chất lượng, rất đặc trưng, bởi vì thói quen canh tác thuận tự nhiên nhất. “Mặc dù khách hàng của Bác Tôm rất thích ngô, nhưng lại chỉ đợi đến mùa ngô nếp Mèo vì nó dẻo, thơm. Hay đơn giản như quýt Lục Yên (Yên Bái), Phù Yên, khách khi ăn xong đánh giá có thể trả với giá 100.000 đồng/kg. Đấy là một điểm (Sơn La) thu hút khách hàng rất là tốt của những sản phẩm này” – bà Nguyễn Thị Dân chia sẻ. Đồng ý kiến, ông Nguyễn Trường Giang - Phụ trách HĐTV Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đã từng ngây ngất chiêm ngưỡng những cây trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi trong rừng già của xã Mồ Sì San - Phong Thổ - Lai Châu hay những câu chuyện về món miến tỏi đen của những đại gia đình đã nhiều năm nay tâm huyết với sản phẩm bổ dưỡng và đặc biệt này. Tôi đã từng chứng kiến sự hân hoan của cha mẹ mình khi nhận được những quả bưởi Đoan Hùng được trồng ở xã Chí Đám - huyện Đoan Hùng - Phú Thọ. Khi đó, quả bưởi hay hộp trà không chỉ mang ý nghĩa trải nghiệm ẩm thực mà còn mang theo cả nét văn hoá của địa phương”. |
Thời gian qua, có thể thấy những kết quả tích cực trong việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá của đồng bào dân tộc, khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa trong các hệ thống phân phối hiện đại. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế, tỷ lệ các sản phẩm này còn rất thấp ở các kệ hàng hóa trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Nguyên nhân do sản lượng ít ỏi của đặc sản địa phương. Đồng thời, việc vận chuyển sản phẩm đến với các kênh tiêu thụ còn khó khăn do những hạn chế về đường giao thông, khả năng bảo quản hàng hoá… Nhiều sản phẩm dù chất lượng nhưng chưa được nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng biết đến. Trong bối cảnh đó, thời gian tới, bà Nguyễn Thị Dân cho rằng, vai trò của chính quyền địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp là không thể thiếu. Chính quyền địa phương cần tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại. Ví dụ như các chương trình livestream bán sản phẩm của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La, Hoà Bình, Bắc Giang đã mang lại hiệu quả rất tốt. Khi doanh nghiệp phân phối tiếp cận được những kênh này thì họ sẽ tìm kiếm được nguồn cung rất dồi dào cung ứng cho thị trường. Nhiều doanh nghiệp biết có sản phẩm tốt nhưng đôi khi chưa biết là sản phẩm này có ở tỉnh nào và làm thế nào để tiếp cận được, nên việc quảng bá từ chính quyền địa phương rất quan trọng. |
![]() |
Đối với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, ông Phạm Quyết Tiến chia sẻ, thời gian tới, Bưu điện Việt Nam sẽ thí điểm phát triển những mô hình cửa hàng offline, hiện tại ở Hà Nội đang thí điểm ở 3 điểm là bưu cục Giảng Võ, bưu cục Tây Sơn và bưu cục Hà Đông. Sau thời gian thí điểm, Bưu điện Việt Nam sẽ nhân rộng, tận dụng lợi thế địa điểm bưu cục của Bưu điện thường ở vị trí khá tốt, sẽ dễ dàng để truyền thông, quảng bá, tiếp cận và tiêu thụ sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc, vùng miền núi. Về phía Bộ Công Thương, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường hướng dẫn các địa phương triển khai tổ chức những hoạt động gắn giữa văn hóa, du lịch với thương mại như các lễ hội, hội chợ để vừa tôn vinh văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vừa phát triển và bán được sản phẩm hàng hóa của bà con từ chính giá trị văn hoá của sản phẩm. |
![]() |
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ xây dựng những mô hình thí điểm phù hợp với điều kiện kinh tế từng vùng, miền, đặc biệt là mô hình thí điểm về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho đồng bào vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bộ Công Thương sẽ tổ chức đào tạo được nguồn nhân lực về quản lý nhà nước, về kinh doanh cho bà con và cả các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực để hỗ trợ nâng cao nhận thức và hỗ trợ trong việc tiêu thụ hàng hóa một cách thuận lợi hơn. Thêm nữa, đẩy mạnh nhóm mà giải pháp như tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm tới cộng đồng người tiêu dùng trong nước và quảng bá qua kênh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài. Từ đó đa dạng kênh tiêu thụ cho sản phẩm. |
Phương Lan Đồ họa: Ngọc Lan |