Đam Rông khơi dậy sức bật thương hiệu nông sản
3 sản phẩm đặc trưng của Đam Rông (Lâm Đồng) vừa được xác lập nhãn hiệu chứng nhận, mở ra cánh cửa mới cho hành trình định vị thương hiệu và chinh phục thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo-đào tạo với chủ đề “Sản phẩm được xác lập nhãn hiệu chứng nhận: Định vị thương hiệu-mở rộng thị trường”. Đây là hoạt động trọng tâm nhằm quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đã có nhãn hiệu chứng nhận của địa phương. Tâm điểm là 3 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng: Bánh tráng Làng Tày, dứa mật Đam Rông và sầu riêng Đam Rông-những sản phẩm mang đậm bản sắc Đam Rông, có tiềm năng lớn chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.
![]() |
Các đại biểu tham quan. Ảnh: congnghieptieudung.vn |
Đồng chí Liêng Hót Ha Hai, Bí thư Đảng ủy xã Đam Rông 3 khẳng định: “Nhãn hiệu chứng nhận là bước ngoặt khẳng định chất lượng và uy tín nông sản địa phương. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao để thương hiệu sống trong lòng người tiêu dùng”. Theo đồng chí Liêng Hót Ha Hai, xã sẽ tiếp tục đồng hành với người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp bằng những chính sách hỗ trợ hạ tầng, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, đặc biệt trên các nền tảng số và thị trường xuất khẩu.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra con đường phát triển bền vững cho nông sản Đam Rông. Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng ban Thông tin và Truyền thông (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) nhấn mạnh vai trò của kinh tế tuần hoàn và kinh tế bao trùm trong xây dựng thương hiệu địa phương. Theo bà, “chìa khóa cạnh tranh hôm nay không chỉ là chất lượng mà còn là giá trị bền vững”.
Tiến sĩ Dương Thị Kim Liên, Viện trưởng Viện Hỗ trợ đổi mới sáng tạo doanh nghiệp đề xuất chiến lược riêng cho từng nhóm chủ thể: Từ nông hộ đến hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, kỹ sư Nguyễn Mạnh Hà (Công ty Hanel) chia sẻ giải pháp về công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch để tăng giá trị gia tăng cho nông sản.
Song song với hội thảo là lớp đào tạo chuyên sâu, nơi học viên được khảo sát thực tế, tư vấn 1:1 và kết nối với các nhà phân phối lớn. Đặc biệt, lớp học có sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số từng thành công trong thương mại hóa sản phẩm địa phương, truyền cảm hứng bằng chính câu chuyện thật của mình.
3 sản phẩm chủ lực đã được xây dựng bộ tiêu chí chất lượng, mã truy xuất nguồn gốc và hệ thống nhận diện thương hiệu. Trong đó, bánh tráng Làng Tày nổi bật với quy trình sản xuất sạch, khép kín; dứa mật ngọt thanh, hợp khí hậu đặc thù vùng cao; còn sầu riêng Đam Rông có lợi thế thu hoạch lệch mùa, mở rộng cơ hội xuất khẩu.
Hội thảo không chỉ là sự kiện quảng bá mà còn được kỳ vọng là bước khởi đầu cho một chiến lược lâu dài: Đưa nông sản Đam Rông từ “có thương hiệu” đến “thương hiệu có sức cạnh tranh”, gắn liền với bản sắc và mục tiêu phát triển bền vững.
MAI DƯƠNG LÂM