A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảng bộ Bộ Công Thương: Tạo xung lực mới cho phát triển thương mại điện tử

Sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt từ Đảng bộ Bộ Công Thương đã góp phần tạo nên xung lực mới cho phát triển lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam.

Nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý cho thương mại điện tử

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách, ban hành các văn bản pháp luật quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy phát triển và quản lý hiệu quả lĩnh vực thương mại điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện.

Trên cơ sở đó, Đảng bộ Bộ Công Thương cũng đã bám sát các quan điểm chỉ đạo, định hướng, mục tiêu của Đảng, Nhà nước và Chính phủ để chỉ đạo các tổ chức đảng trong Đảng bộ quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, văn bản chỉ đạo, nhiệm vụ về xây dựng chính sách, quản lý hoạt động thương mại điện tử. Cụ thể:

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề cập đến giải pháp: “Rà soát, hoàn thiện luật chuyên ngành về du lịch, thương mại, đường sắt, bưu chính, công nghệ thông tin, viễn thông và các luật có liên quan; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, đẩy mạnh xã hội hóa để cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, nhất là trong các lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, logistics, du lịch, các dịch vụ mới của nền kinh tế số...”.

Nghị quyết số 141/2024/QH15 của Quốc hội ngày 29/6/2024 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó Quốc hội yêu cầu Bộ Công Thương: “Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…”.

Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 12/11/2024 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2024 nêu nhiệm vụ: “Tổng kết, đánh giá việc thi hành pháp luật về thương mại điện tử trong thời gian qua; nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng Luật về thương mại điện tử theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

Quyết định số 165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/02/2023 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 có nêu: “Xây dựng và hoàn thiện các chính sách, khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu qua các nền tảng số, đặc biệt là qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, gắn với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ dữ liệu phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu quản lý của Việt Nam”. Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước yêu cầu: “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương”…

Thương mại điện tử Việt Nam những năm qua đã có những bước phát triển đột phá. Ảnh minh họa

Thương mại điện tử Việt Nam những năm qua đã có những bước phát triển đột phá. Ảnh minh họa

Nhờ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt từ Đảng bộ Bộ Công Thương, lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, thương mại điện tử tăng trưởng 18 - 25% mỗi năm và đạt mốc 25 tỷ USD vào năm 2024. Thương mại điện tử cũng chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước và xấp xỉ 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam; xếp hạng top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Chưa dừng lại ở đó, thị trường thương mại điện tử được xác định là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giúp người tiêu dùng Việt Nam trở thành người tiêu dùng toàn cầu, có thể tiếp cận với cả các sản phẩm đa dạng và phong phú cả trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã tận dụng được các nền tảng hiện đại để phát triển kênh phân phối hàng hóa, sản phẩm của mình.

Giai đoạn 2021 - 2025, ngành Công Thương cũng hướng các trọng tâm ưu tiên về triển khai công tác nghiên cứu mang tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực, đặc biệt là ứng dụng công nghệ như IoT phân tích dữ liệu cho thương mại điện tử, góp phần tạo ra những thay đổi đáng kể trong việc cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất và tiếp cận gần hơn với nhu cầu thị trường.

Xác định thương mại điện tử là động lực tăng trưởng quan trọng

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp và khó lường cùng với sự phát triển mạnh xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ Bộ Công Thương nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp là tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật về thương mại điện tử phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số và cam kết trong các FTA, cho phép thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với các mô hình kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ mới trong thương mại điện tử, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, xúc tiến thương mại trực tuyến.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thị trường, đặc biệt là trong xử lý các vấn đề mới như kinh doanh trên các nền tảng số, thương mại điện tử…; khẩn trương hoàn thiện xây dựng và trình Quốc hội Luật Thương mại điện tử; phát huy thế mạnh của thị trường trong nước để củng cố nội lực là yếu tố quyết định gắn với mở rộng thị trường bên ngoài, trong đó, xác định thương mại số, thương mại điện tử là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế số.

Bên cạnh đó, thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi; phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng.

Dự thảo Luật Thương mại điện tử được Bộ Công Thương xây dựng gồm 7 Chương, 55 Điều. Dự thảo tập trung vào một số nội dung như: Quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng trong thương mại điện tử. Xác lập quy định đầy đủ về quá trình giao kết hợp đồng điện tử như: Đề nghị, xác nhận, thời điểm giao kết, chấm dứt hợp đồng. Bổ sung các quy định về giao kết hợp đồng thông qua chức năng “đặt hàng trực tuyến” trên các nền tảng thương mại điện tử.

Dự thảo cũng quy định về các mô hình nền tảng thương mại điện tử và điều kiện hoạt động, như nền tảng kinh doanh trực tiếp (chủ quản vừa là đơn vị cung cấp nền tảng, vừa trực tiếp bán hàng); nền tảng trung gian (chỉ cung cấp môi trường cho bên bán và bên mua giao dịch); mạng xã hội có hoạt động thương mại điện tử; nền tảng tích hợp đa dịch vụ; hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài.

Đặc biệt, dự thảo đề cập tới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giải quyết tranh chấp, gồm: Cơ chế xử lý tranh chấp thương mại điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường trách nhiệm của các nền tảng trong việc phối hợp xử lý vi phạm. Đồng thời, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý thương mại điện tử; bổ sung chế tài đối với các hành vi vi phạm như bán hàng giả, không tuân thủ quy định về dữ liệu, hoạt động trái phép của nền tảng nước ngoài…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật