Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dân đồng lòng, quân chung sức xây dựng nông thôn mới

Sau 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Đắk Lắk có nhiều thay đổi, hơn 46% xã đạt chuẩn NTM, 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thành công đó một phần có sự tiếp sức của các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn.

Phát huy các nguồn lực

Là tỉnh miền núi chậm phát triển nên thời điểm năm 2011 khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp. Theo đồng chí Dương Tín Đức, Phó chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh Đắk Lắk, những khó khăn của tỉnh trong xây dựng NTM có thể kể đến như dân cư thưa thớt, địa bàn rộng, hạ tầng thấp kém, nhất là hạ tầng giao thông ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đơn cử như trong khi diện tích bình quân một xã của cả nước là 2.300ha thì diện tích bình quân một xã của Đắk Lắk lên tới 8.300ha, rộng hơn 3,6 lần. Năm 2011, khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tổng số 152 xã của Đắk Lắk mới đạt 508/2.888 tiêu chí; cụ thể có 3 xã đạt 10-12 tiêu chí, 51 xã đạt 5-9 tiêu chí, 81 xã đạt dưới 5 tiêu chí... Nhiều xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các huyện khó khăn, huyện biên giới chỉ đạt 1-2 tiêu chí.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung (ngồi giữa) thăm nông trại công nghệ cao tại xã Hòa Thuận, xã đạt nông thôn mới nâng cao của TP Buôn Ma Thuột. 

Với quan điểm xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ của hệ thống chính trị và toàn xã hội, tỉnh Đắk Lắk đã huy động nhiều nguồn lực, tập trung vào những lĩnh vực mang tính đột phá như phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, giảm nghèo bền vững; chọn những xã điểm, huyện điểm để triển khai xây dựng NTM. Trong xây dựng NTM, Đắk Lắk chú trọng tuyên truyền vận động, phát huy dân chủ để toàn dân chung sức, đồng lòng, huy động sự đóng góp của nhân dân trong thực hiện từng tiêu chí. Nhờ vậy, tính đến đầu năm 2023, tỉnh đã huy động được hơn 49 nghìn tỷ đồng đầu tư cho xây dựng NTM; trong đó, ngân sách Trung ương và địa phương hơn 3,76 nghìn tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 23,4 nghìn tỷ đồng, vốn đóng góp của cộng đồng dân cư 3,1 nghìn tỷ đồng và vốn huy động từ chương trình, dự án khác hơn 18,9 nghìn tỷ đồng.

Sau 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Đắk Lắk có nhiều đổi thay, toàn tỉnh có 71 xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 46,7%), 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 đơn vị cấp huyện là TP Buôn Ma Thuột hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 85 sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chứng nhận.

Bộ đội đồng hành với chính quyền

Trong hành trình xây dựng NTM của Đắk Lắk, rất nhiều xã ở địa bàn khó khăn, vùng DTTS, biên giới đã nhận được sự chung sức hiệu quả của các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn. Tìm hiểu tại xã Hòa Đông, xã điểm về NTM của huyện Krông Pắc cho thấy những đóng góp tích cực cả về công lao động và kinh phí đầu tư của Lữ đoàn Đặc công 198 (Binh chủng Đặc công). Đồng chí Nguyễn Xuân Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông cho biết: Tháng 7-2015, Hòa Đông là một trong 5 xã đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk về đích NTM, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Kết quả nổi bật trong xây dựng NTM của Hòa Đông có thể kể đến là huy động nhân dân đóng góp tới 50% kinh phí xây dựng hạ tầng nông thôn; thu nhập bình quân tăng từ 16,5 triệu đồng/người trong năm 2011 lên 47 triệu đồng/người trong năm 2022. Hòa Đông phấn đấu năm 2024 đạt các tiêu chí xã NTM nâng cao.

Nói về sự đồng hành của Lữ đoàn Đặc công 198 trong hành trình xây dựng NTM, đồng chí Phạm Văn Hà, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Đông khẳng định: Trong 12 năm chung sức xây dựng NTM, Lữ đoàn Đặc công 198 đã hỗ trợ địa phương hàng nghìn ngày công lao động làm đường giao thông, xây dựng kênh thủy lợi; xây dựng và trao 3 căn nhà tặng hộ nghèo, 3 phòng học tặng Trường Mầm non Thắng Lợi; hỗ trợ hàng chục tấn gạo tặng người nghèo, người có công dịp lễ, tết. Được biết, hành trình chung sức xây dựng NTM của Lữ đoàn Đặc công 198 không chỉ thực hiện ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc mà còn triển khai ở nhiều xã khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, thông qua chương trình phối hợp làm công tác dân vận. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Minh Mạnh, Chính ủy Lữ đoàn cho biết: “Từ năm 2011 đến nay, đơn vị hỗ trợ hơn 10 nghìn ngày công lao động xây dựng 60km đường giao thông nông thôn, 15km kênh mương thủy lợi, 12 nhà đại đoàn kết, 3 phòng học với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng. Ngoài ra còn tiết kiệm hỗ trợ hộ nghèo hơn 21 tấn gạo và gần 1 tỷ đồng; khám bệnh, cấp thuốc cho gần 4 nghìn lượt người”.

Bộ đội Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 737 (Quân khu 5) hỗ trợ nông dân xã biên giới Ia Rvê phát triển vườn cây ăn quả. 

Có thể nói, nguồn lực các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chung sức xây dựng NTM khá hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận. Tổng hợp của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Đắk Lắk, chỉ tính trong năm 2022, các đơn vị: Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 737 (Quân khu 5); Bộ CHQS tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk; Lữ đoàn Đặc công 198... đã xây dựng, trao tặng 3 công trình đoàn kết quân dân; phối hợp vận động xây dựng 117 nhà đại đoàn kết; tặng 300 con giống các loại; tham gia làm mới 109km đường nông thôn.

Được biết, trong số 81 xã của tỉnh Đắk Lắk chưa về đích NTM thì có tới 54 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đối với những xã này, nguồn lực huy động trong nhân dân có hạn, việc thực hiện các tiêu chí về hạ tầng nông thôn, hộ nghèo và thu nhập rất khó hoàn thành trong thời gian ngắn. Theo đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk: Các cấp ủy đảng phải xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ ưu tiên của hệ thống chính trị. Tỉnh, huyện phải hỗ trợ xã trong xây dựng NTM. Xã nào chưa đạt tiêu chí nào thì tỉnh, huyện làm việc cụ thể với từng xã để có lộ trình, kế hoạch thực hiện các tiêu chí đó. Đồng thời tranh thủ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình giảm nghèo bền vững; chương trình tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi và huy động nguồn lực trong nhân dân để tập trung cho xây dựng NTM.

Mục tiêu của tỉnh Đắk Lắk trong năm 2023 này là có tổng số 86 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 120 sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền chứng nhận; đến năm 2025 có 100 xã và 4 huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có 10 xã NTM nâng cao, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí, khu vực nông thôn có 200 sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chứng nhận.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật