A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để ngư dân yên tâm phát triển kinh tế hợp pháp

Đầu năm mới Quý Mão, chúng tôi có dịp trở lại thăm một số địa phương ven biển của huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, trong đó có xã Tam Quang-địa phương có hơn 90% dân số sống bằng nghề đi biển.

Tâm trạng vui vẻ, hối hả chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu năm, anh Đặng Văn Đạt ở thôn Trung Toàn, thuyền trưởng kiêm chủ tàu QNa-93586TS chia sẻ: “Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và giá nhiên liệu tăng cao bất thường nhưng nhờ được cấp ủy, chính quyền quan tâm, trong đó đặc biệt là sự đồng hành của cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển (CSB) 2 trong việc hỗ trợ, động viên và hướng dẫn tận tình, tuyên truyền cụ thể về chống đánh bắt bất hợp pháp và sẵn sàng cứu nạn trên biển... Nhờ đó, không chỉ tàu của gia đình chúng tôi mà các tàu bạn khác trong nghiệp đoàn nghề cá của xã đều làm ăn ổn định, có thu nhập khá. Do đó, đón Tết xong, ai cũng mong sớm được ra khơi...”.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Dung, Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết: "Tam Quang là xã trọng điểm về nghề khai thác hải sản của huyện Núi Thành, với 197 chiếc tàu có công suất 250CV trở lên, trong đó có hàng chục chiếc công suất xấp xỉ 1.000CV, số lượng tàu dưới 250CV cũng khoảng hơn 160 chiếc. Thực tế cho thấy, khai thác hải sản xa bờ là nghề đem lại hiệu quả kinh tế lớn, nhưng cũng có tỷ lệ rủi ro cao. Ngoài ảnh hưởng của thời tiết thì những việc tranh chấp ngư trường, tàu nước ngoài uy hiếp, tấn công luôn tiềm ẩn...

Lãnh đạo Vùng CSB 2 tặng quà động viên ngư dân có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Núi Thành (Quảng Nam). 

Do còn hạn chế trong hiểu biết về pháp luật, những năm trước, ngư dân của xã cũng có tàu đi khai thác, đánh bắt không theo quy định... Thực hiện chỉ đạo của trên, cấp ủy, chính quyền xã đã vào cuộc cùng với cán bộ, chiến sĩ lực lượng Vùng CSB 2 tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thông qua Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân” nên bà con ngư dân đã có nhận thức đúng và chấp hành tốt quy định. Vui nhất là từ năm 2018 đến nay, xã Tam Quang không có tàu nào vi phạm, phần lớn tàu cá của bà con ngư dân trong xã đều có thu nhập ổn định. Sự đồng hành cả khi ở trên bờ lẫn trên biển của cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 2 đã góp phần động viên ngư dân vượt qua khó khăn, yên tâm vươn khơi, bám biển".

Theo Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Vùng CSB 2, thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của cấp trên, thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp thuộc Vùng CSB 2 đã triển khai đồng bộ, đa dạng hình thức, biện pháp đồng hành với ngư dân. Bộ tư lệnh Vùng CSB 2 đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương và đơn vị bạn tổ chức những đợt làm công tác dân vận trên nhiều địa bàn, tập trung ở các đảo, các xã ven biển, nơi có nhiều ngư dân. Qua đó vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nâng cao đời sống.

Các tàu đi tuần tra trên biển đều được Bộ tư lệnh Vùng CSB 2 giao kết hợp thực hiện nhiệm vụ với tổ chức tuyên truyền và giúp đỡ ngư dân đang hoạt động trên biển; tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn, tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài và duy trì an ninh, trật tự. Vùng CSB 2 cũng luôn duy trì lực lượng, phương tiện trực sẵn sàng 24/24 giờ, khi có mệnh lệnh là cơ động được ngay để kịp thời ứng cứu ngư dân trong mọi điều kiện thời tiết...


Tags: ngư dân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật