A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo cơ chế thúc đẩy du lịch nông nghiệp ở Hà Nội

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần để chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu và chất lượng.

Thực hiện mục tiêu đó, những năm gần đây, Hà Nội đã chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp và đạt được những thành công bước đầu. Tuy nhiên, phát triển du lịch nông nghiệp Thủ đô hiện nay được đánh giá chưa mang tính tổng thể, toàn diện nên chưa phát huy được tối đa tiềm năng, đòi hỏi cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Nhiều tiềm năng và lợi thế

Hiện nay, trên toàn địa bàn Thủ đô Hà Nội có hàng chục mô hình du lịch nông nghiệp với cách thức hoạt động phong phú. Nổi bật nhất là mô hình có sự kết hợp nông nghiệp-du lịch-giáo dục học đường, với 11 đơn vị đang hoạt động như: Trang trại Vạn An (huyện Thanh Trì), Khu du lịch sinh thái Bản Rõm (huyện Sóc Sơn), Trang trại đồng quê (huyện Ba Vì)... Đến những địa điểm nói trên, các em nhỏ được trải nghiệm những hoạt động của nông nghiệp khi tham gia các thí nghiệm mô phỏng tác dụng của cây xanh đối với cuộc sống con người, tìm hiểu các mô hình, kỹ thuật trồng cây và tham gia trực tiếp vào quá trình trồng cây. Ngoài ra, các em còn được tìm hiểu về một số loài vật nuôi tại trang trại, trổ tài nhà nông lấy nơm úp cá, thỏa sức vui chơi với nước...

Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (tỉnh Bắc Giang) trải nghiệm tại Trang trại Vạn An (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN LIỄU 

Xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh, hiện đang chuyển mình với nhiều trang trại du lịch sinh thái. Du khách đến đây được thưởng lãm những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật độc đáo cũng như giao lưu, trò truyện cùng các nghệ nhân, trải nghiệm hoạt động “một ngày làm nghệ nhân”. Bên cạnh đó, khách sẽ được thả bộ trên bờ đê sông Hồng, thưởng ngoạn cảnh sắc những cánh đồng rau xanh mướt, làng hoa rực rỡ, những trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả; thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp của vùng đất sa bồi ven sông Hồng, tham quan nơi lưu giữ kiến trúc đặc trưng của làng quê với hệ thống đình-đền-chùa đặc trưng của vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết, khi phát triển mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, tạo ra các không gian, vườn hoa, vườn cây và dịch vụ đi kèm thì nguồn thu chính không phải từ năng suất nông sản mà là từ dịch vụ du lịch.

Với điều kiện đa dạng về hệ sinh thái-tự nhiên, văn hóa và đặc biệt có vị trí thuận lợi kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Hà Nội có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp gắn liền với xây dựng NTM. Thực tế, 18 huyện, thị xã ở khu vực ngoại thành Hà Nội đều có những tiềm năng, lợi thế riêng cho khai thác du lịch, trong đó, một số địa phương như: Thường Tín, Ứng Hòa, Đông Anh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì... có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, diện tích canh tác nông nghiệp rộng, nhiều sản vật địa phương và có các làng nông nghiệp truyền thống lâu đời, phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp. Cùng với đó, lượng dân cư đô thị ngày một đông dẫn đến nhu cầu trải nghiệm du lịch nông nghiệp ngày càng cao. Nắm bắt được xu thế này, hàng loạt trang trại nông nghiệp sinh thái đã ra đời. 

Cần được quy hoạch và tổ chức bài bản hơn

Mặc dù đã có những thành công bước đầu, tuy nhiên, thời gian qua, phát triển du lịch nông nghiệp Hà Nội được đánh giá chưa mang tính tổng thể, toàn diện; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù cho du lịch nông nghiệp. Du lịch nông nghiệp cũng chưa thực sự gắn kết với xây dựng NTM nên chưa phát huy được nguồn vốn lồng ghép từ các ngành khác để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch và các giá trị về văn hóa, cảnh quan môi trường, làng nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các nhà quản lý và các doanh nghiệp du lịch cũng chỉ ra, phần lớn mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố có quy mô nhỏ lẻ, chưa giải quyết được các vấn đề về đa dạng sản phẩm, kết nối quảng bá sản phẩm và tổ chức quản lý, phát triển mô hình. Các trang trại đều yếu ở dịch vụ và nhân lực, thiếu sáng tạo trong thiết kế các dịch vụ đi kèm để tạo nên sự hấp dẫn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Văn Tám, chủ một trang trại nông nghiệp sinh thái tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) tâm sự: "Các trang trại gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, hành lang pháp lý, nhưng rào cản lớn nhất là nhân lực trong phát triển du lịch. Từ một nông dân trở thành một hướng dẫn viên du lịch đòi hỏi cả một chặng đường dài. Không những thế, để các trang trại sinh thái trở nên hấp dẫn thì cần có quy hoạch không gian hợp lý, không để các công trình xây dựng phá vỡ quy hoạch nông thôn, ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan các khu du lịch sinh thái...".

Được biết, giai đoạn 2022-2025, thành phố Hà Nội đã xác định tập trung xây dựng thí điểm các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề... theo hướng du lịch xanh, tại các huyện: Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây. Nhằm hiện thực hóa kế hoạch này, Sở Du lịch thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển sản phẩm, kích cầu du lịch, đào tạo nguồn nhân lực hằng năm và tiêu chuẩn xây dựng NTM kiểu mẫu về du lịch để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại các quận, huyện phát triển loại hình du lịch nông nghiệp.

Theo ông Phương Đình Anh, Phó chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho hay: Hà Nội vốn được mệnh danh là “đất trăm nghề” với nhiều làng nghề truyền thống, đặc biệt với nhiều di tích lịch sử-văn hóa, cùng với đó, nông nghiệp thành phố cũng phát triển mạnh mẽ... Đây chính là những tiềm năng, lợi thế vô cùng to lớn mà không phải địa phương nào cũng có được. Đồng thời, Hà Nội cũng có sẵn nguồn du khách chính là người dân khu vực nội đô, đó là chưa kể du khách từ các địa phương khác và cả nguồn khách quốc tế tới Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian tới, Thủ đô cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, các chủ trang trại, các doanh nghiệp lữ hành để đánh thức tiềm năng, đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển hơn nữa. Khi du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, các trang trại, doanh nghiệp lữ hành mà còn góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP của thành phố. Từ đó giúp chương trình xây dựng NTM của thành phố ngày càng hiệu quả, thực chất và bền vững hơn.


Tags: du lịch
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết