A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả tín dụng ưu đãi ở Lạc Xuân

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), nhiều người dân trên địa bàn xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương) có thêm điều kiện tài chính, chủ động đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

 

Bà Ma Liềng ở thôn Diom A sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH
Bà Ma Liềng ở thôn Diom A sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH
 
Ông Nguyễn Văn Gieo, Tổ trưởng Tổ vay vốn tiết kiệm thôn Kinh tế mới Châu Sơn (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương), lấy hai ví dụ rất cụ thể để nói về hiệu quả của nguồn vốn tín dụng ưu đãi như sau: “Cũng là một lao động, chỉ vì thiếu vốn, đành dừng lại ở mức nuôi 1 - 2 con bò, nhưng nếu được hỗ trợ vốn, lao động đó có thể mua thêm 5 - 6 con bò. Tương tự, một người làm vườn có thể sử dụng vốn ưu đãi đầu tư nhà kính, từ 1 - 2 sào tăng lên 3 - 4 sào. Qua đấy, chúng ta thấy rằng, nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH đã góp phần đáng kể trong việc tạo việc làm, tăng năng suất và hiệu quả lao động”. Theo ông Gieo, rau, quả trồng trong nhà kính có năng suất cao hơn hẳn so với trồng ngoài trời, bên cạnh chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giảm, sâu bệnh gây hại cũng giảm. Do vậy, có người chỉ trong vòng 1 năm là đã trả nợ trước hạn cho Ngân hàng CSXH. Đơn cử như ông Trương Văn Thành đã sử dụng 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi thâm canh trồng sú, cà chua trong nhà kính, với diện tích 2 sào. “Năm 2021, tôi trồng sú, thu hoạch và bán được 50 triệu đồng. Năm nay, tôi chuyển sang trồng cà chua. Mặc dù cà chua mới ra trái nhưng đã có người đến tận vườn trả 80 triệu đồng”, ông Thành cho biết.
 
Theo Tổ trưởng Tổ vay vốn tiết kiệm thôn Kinh tế mới Châu Sơn Nguyễn Văn Gieo, ở thôn, ngoài ông Thành, còn có 7 người nữa, cũng sử dụng rất hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu. Ông Lê Minh Hiếu, một hộ vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH để làm nhà ở thôn Kinh tế mới Châu Sơn, chia sẻ: “Với những người không có vốn hoặc ít vốn để phát triển chăn nuôi, sản xuất, thì nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH sẽ là “cú hích” giúp họ đầu tư làm ăn, thoát khỏi cảnh eo hẹp về kinh tế, thêm điều kiện để sửa sang nhà cửa thoáng rộng, vững chắc”. 
 
Còn ở thôn Diom A, mọi người thường nhắc đến bà Ma Liềng như một điển hình về giảm nghèo bền vững. 6 năm trước, bà Ma Liềng vay 30 triệu đồng của Ngân hàng CSXH để mua 1 con bò cái nuôi sinh sản. Sau 2 năm chăm sóc, con bò đẻ được 2 con bò con, bà Ma Liềng đã bán 1 con, lấy tiền trả nợ cho Ngân hàng CSXH. Sau đó, bà Ma Liềng lại vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH để mua thêm 1 con bò. Hiện tại, gia đình bà Ma Liềng đang có 6 con bò, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định. Bà Ma Liềng tâm sự: “Nhờ sự giúp đỡ của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, cuộc sống gia đình tôi đã bớt khó khăn hơn trước. Tôi cũng có thêm điều kiện để chăm lo cho 2 đứa con ăn học”. Bà Ma Ước, Tổ trưởng Tổ vay vốn tiết kiệm thôn Diom A, cho hay: “Hiện tại, thôn Diom A đang có 57 hộ được thụ hưởng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, với dư nợ khoảng 2,7 tỷ đồng”.
 
Có được sự thay đổi tích cực này, theo ông Lã Xuân Hải, cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Đơn Dương, trước hết là nhờ các cấp ủy, chính quyền ở Lâm Đồng đã xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, từ đó tạo điều kiện cho Ngân hàng CSXH huy động các nguồn lực tài chính về một đầu mối, trong đó chú trọng khai thác nguồn vốn ngân sách tại địa bàn hoạt động. Tính riêng trên địa bàn huyện Đơn Dương, 2 năm qua, nguồn vốn tăng 2 - 3 lần. Nguồn vốn chính sách đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp người dân phục hồi và mở rộng sản xuất.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật