Huyện Quan Sơn (Thanh Hóa): Cần gỡ khó cho người trồng nứa, vầu
Nứa và vầu là hai loại cây trồng chủ lực, từng là sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Tuy nhiên hiện nay, các hộ dân làm nghề sản xuất, kinh doanh, trồng nứa, vầu tại đây đang gặp khó khăn khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được...
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, huyện có hơn 54.000ha rừng trồng nứa, vầu, luồng tập trung chủ yếu ở các xã: Sơn Điện, Mường Mìn, Tam Lư, Tam Thanh, Sơn Thủy, Na Mèo. Nhờ có chất lượng tốt nên nứa, vầu tại huyện Quan Sơn được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chọn làm nguyên liệu sản xuất các mặt hàng như tăm, đũa... Hằng năm, huyện Quan Sơn khai thác và tiêu thụ hơn 10 triệu cây luồng, 5.000-7.000 tấn nứa, vầu dạng nan thanh. Cũng vì thế mà trên địa bàn huyện đã có nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản từ cây nứa, vầu và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
Cơ sở sản xuất tăm đũa xuất khẩu Thu Hiền ở bản Mìn, xã Mường Mìn (Quan Sơn, Thanh Hóa) hoạt động cầm chừng do sản phẩm khó tiêu thụ. |
Từng là cơ sở sản xuất với nhiều lao động, tuy nhiên hiện nay Cơ sở sản xuất tăm đũa xuất khẩu Thu Hiền ở bản Mìn, xã Mường Mìn chỉ hoạt động cầm chừng. Chị Nguyễn Thị Thu, chủ cơ sở cho biết: “Trước năm 2020, cơ sở của gia đình tôi có hơn 50 lao động làm việc đều đặn với mức thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/người/tháng. Nhưng từ cuối năm 2022 đến nay, tôi chỉ duy trì được 10 lao động, sản xuất cầm chừng, giữ chân lao động là chính. Tôi cũng đã liên hệ, trực tiếp đi nhiều địa phương để mở rộng thị trường nhưng "đầu ra" vẫn rất khó khăn. Hiện nay, mỗi tháng cơ sở của tôi sản xuất khoảng 50 tấn đũa, 30 tấn tăm, sản lượng chỉ bằng một phần trước đây”.
Chỉ tay vào hàng dài nan nứa, vầu được xếp ngoài đường đã bị mốc xanh vì chưa tiêu thụ được, đồng chí Lương Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Mường Mìn cho biết: “Trước đây, đi dọc các trục đường lớn trên địa bàn xã Mường Mìn thường dễ dàng bắt gặp cảnh xe tải vào ra chuyên chở nan nứa, vầu, thì nay quang cảnh trở nên đìu hiu. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, giá nứa, vầu nguyên liệu trên địa bàn liên tục giảm sút. Nhiều gia đình trồng loại cây này đã phải ngừng hoạt động vì không có đủ kinh tế để bám trụ. Ở xã trước đây có 7 xưởng sản xuất, kinh doanh mặt hàng đũa tiện lợi, tăm, tuy nhiên đến nay chỉ có 4 xưởng hoạt động do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất chậm”.
Thời điểm trước năm 2020, mỗi tạ nan nứa, vầu được bán với giá 250.000-280.000 đồng. Cao điểm có ngày mỗi lao động có thể thu hoạch được 4-6 tạ nan nứa, vầu, cho thu nhập 1-1,5 triệu đồng. Thời gian thu hoạch những loại cây này kéo dài 10 tháng trong năm nên nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, người dân trong xã ai cũng hào hứng trồng và chăm sóc nứa, vầu. Là một trong những người đi đầu trong việc trồng vầu tại địa phương, ông Vi Văn Piên ở xã Tam Lư đã trồng loại cây này từ năm 2013. Ông Piên cho biết: “Hiện nay, giá nan nứa, vầu chỉ còn khoảng 130.000-180.000 đồng/tạ. Mặc dù giá xuống thấp, không có người đến mua nhưng nhiều diện tích nứa, vầu đến kỳ vẫn phải thu hoạch. Gia đình tôi đã phải vay tiền để đầu tư làm đường khai thác và vận chuyển nứa, vầu từ trên rừng xuống. Tôi rất khó khăn vì "đầu ra" sản phẩm không có, lãi ngân hàng vẫn phải trả. Do không có khách mua, giá bán thấp, nhiều hộ gia đình đã bỏ chăm sóc nứa, vầu để tìm công việc khác nên cây dần thoái hóa, giảm năng suất, sản lượng".
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản từ cây nứa, vầu trên địa bàn huyện Quan Sơn thường thu mua nguyên liệu của bà con về sơ chế rồi bán sản phẩm thô cho doanh nghiệp ở nhiều địa phương khác. Sản phẩm đến doanh nghiệp tiếp tục được chế biến tinh rồi xuất khẩu... Hiện nay, chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm này đang gặp khó khăn nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua cây nguyên liệu. Để khắc phục tình trạng này, UBND huyện Quan Sơn đã tạo điều kiện tốt nhất nhằm thu hút các dự án, nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh nứa, vầu. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho nông dân. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn kiến nghị: “Thời gian tới cần có những cơ chế, chính sách nâng mức hỗ trợ thâm canh, phục tráng rừng luồng, nứa, vầu theo Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND ngày 10-12-2021 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; nâng mức hỗ trợ để khuyến khích người dân tiếp tục canh tác và phát triển. Cây đã trồng, đường vào khai thác đã đầu tư mà để cây trồng thoái hóa thì rất lãng phí...”.