A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lan toả văn hoá ẩm thực nông thôn bằng công nghệ số

Giờ đây những món ăn đặc trưng của vùng nông thôn không chỉ gói gọn trong bếp lửa gia đình mà còn lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền nhờ ứng dụng công nghệ số.

Trong nhịp sống hiện đại, khi công nghệ số ngày càng len lỏi vào từng ngõ ngách đời sống, những giá trị truyền thống tưởng chừng chỉ còn lưu giữ trong ký ức nay lại được thổi bùng mạnh mẽ, lan tỏa đến khắp nơi. Tại Gia Lai, câu chuyện của những người con gắn bó với bếp núc, với văn hóa ẩm thực dân tộc thiểu số đã cho thấy sức mạnh đặc biệt của công nghệ số trong việc bảo tồn và quảng bá bản sắc quê hương.

Từ bài đăng giản dị đến hành trình kết nối hàng ngàn thực khách

Cách đây 4 năm, chị Kpă Nguyễn Thu Hồng (tổ 7, phường Yên Thế, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) chỉ đơn giản muốn chia sẻ một phần ký ức ẩm thực quê nhà bằng một bài đăng trên Facebook cá nhân. Mâm cơm gia đình Jrai do chính tay chị chế biến, với những món ăn dân dã như cà xóc, muối cá, lá mì xào, thịt ba chỉ xào muối ớt, cá khô chiên giòn, đã nhanh chóng nhận được sự yêu thích từ cộng đồng mạng.

“Thời điểm đó, mình chỉ muốn chia sẻ để mọi người biết rằng, bữa cơm của người Jrai có những món giản dị nhưng đậm đà đến nhường nào. Ban đầu chỉ là bạn bè lâu ngày nhờ mình nấu hộ, rồi dần dần nhiều người biết đến, nhắn tin hỏi cách làm” - chị Hồng chia sẻ.

Lan toả văn hoá ẩm thực nông thôn bằng công nghệ số
Chị Kpă Nguyễn Thu Hồng bắt đầu lan toả văn hoá ẩm thực của quê hương từ những bài đăng bán online

Tuy nhiên, chị cũng nhận ra rằng, có những món ăn nếu không được chế biến đúng cách sẽ khó đạt đến hương vị chuẩn mực. Từ đó, chị quyết định mở rộng mô hình bằng cách bán cơm online. Mỗi sáng, chị đăng thực đơn gồm 5 món ăn lên Facebook, để khách hàng dễ dàng lựa chọn. Trung bình mỗi ngày, chị bán từ 50-60 suất cơm, có hôm cao điểm lên đến 100 suất, với giá chỉ từ 40.000 - 50.000 đồng mỗi suất.

Sự ủng hộ nhiệt tình từ khách hàng không chỉ dừng lại ở những lời khen “ngon như cơm nhà” mà còn là động lực thôi thúc chị mở quán Cơm Tây Nguyên. Tại đây, thực khách có thể trực tiếp trải nghiệm trọn vẹn hương vị mâm cơm Jrai truyền thống, từ suất ăn cá nhân đến mẹt cơm dân dã cho nhóm 2-4 người, giá cả hợp lý, gần gũi.

Không chỉ dừng lại ở hình thức bán hàng online hay mở quán truyền thống, nhiều mô hình kinh doanh ẩm thực ở Pleiku đã chủ động áp dụng công nghệ số để tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Quán Ia Nueng Plei Jrai (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) là một ví dụ tiêu biểu.

Lan toả văn hoá ẩm thực nông thôn bằng công nghệ số
Mâm cơm Jrai truyền thống

Chị Su Bi – chủ quán Ia Nueng Plei Jrai – cho biết, nhận thấy sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, quán đã chủ động liên hệ với các nhà sáng tạo nội dung để thực hiện các video trải nghiệm ẩm thực. Những thước phim gần gũi, chân thực về mâm cơm dân dã, gà nướng cơm lam, bò một nắng, muối kiến… đã thu hút hàng chục nghìn lượt xem, chia sẻ. Qua đó, thương hiệu quán ăn dần khẳng định chỗ đứng vững chắc trong lòng du khách yêu thích khám phá văn hóa bản địa.

Ngoài quảng bá, Ia Nueng Plei Jrai còn triển khai dịch vụ đặt bàn trực tuyến qua mạng xã hội, giúp khách chủ động lên lịch trình, đặc biệt trong mùa cao điểm du lịch. Nhờ đó, lượng khách ghé thăm quán tăng đều, trong đó không ít du khách đến từ các tỉnh, thành phố xa.

Chị Su Bi chia sẻ thêm: “Chúng tôi đang tận dụng vị trí thuận lợi gần khu du lịch Biển Hồ để mở rộng mô hình. Sắp tới, quán sẽ xây dựng thêm các chòi, lán có sức chứa 40-50 thực khách để phục vụ đoàn lớn. Đồng thời, tổ chức các buổi trình diễn cồng chiêng vào dịp cuối tuần, tạo không gian thưởng thức ẩm thực và văn hóa trọn vẹn cho du khách”.

Công nghệ số – cầu nối bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa

Những mô hình như của chị Hồng hay quán Ia Nueng Plei Jrai cho thấy, công nghệ số không chỉ đơn thuần là công cụ bán hàng, mà còn là cầu nối giúp lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến rộng rãi hơn. Từ những suất cơm giản dị đến những video trải nghiệm chân thực, ẩm thực bản địa Tây Nguyên đã bước ra khỏi không gian làng bản, tìm đến những tín đồ yêu văn hóa khắp mọi miền.

Lan toả văn hoá ẩm thực nông thôn bằng công nghệ số
Công nghệ số không chỉ đơn thuần là công cụ bán hàng, mà còn là cầu nối giúp lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến rộng rãi hơn.

Ông Nguyễn Xuân Hà – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin TP. Pleiku – nhận định: “Để phát triển du lịch bền vững dựa trên bản sắc văn hóa, các cơ sở kinh doanh ẩm thực cần không chỉ ứng dụng công nghệ số mà còn đảm bảo minh bạch về giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm và phục vụ bình đẳng mọi đối tượng khách hàng”.

Ngoài ra, việc chủ động định vị thương hiệu bằng cách tham gia các chương trình quảng bá du lịch của tỉnh, thành phố, hoặc Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng rất cần thiết. Những hoạt động này giúp sản phẩm ẩm thực truyền thống có thêm cơ hội tiếp cận khách du lịch trong và ngoài nước.

Việc kết hợp hài hòa giữa không gian trải nghiệm đậm đà bản sắc với ứng dụng công nghệ hiện đại đang giúp Gia Lai dần khẳng định vị thế là điểm đến độc đáo trong hành trình khám phá Tây Nguyên. Không chỉ đơn thuần là thưởng thức món ăn, du khách còn có cơ hội cảm nhận trọn vẹn nét đẹp văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Trong bối cảnh du lịch trải nghiệm ngày càng được ưa chuộng, những mô hình sáng tạo dựa trên giá trị truyền thống, ứng dụng công nghệ số như vậy chính là hướng đi đầy triển vọng. Đó không chỉ là cách bảo tồn văn hóa, mà còn là cách để thế hệ trẻ tự hào kể những câu chuyện của quê hương mình bằng ngôn ngữ của thời đại mới.


Tác giả: Bài và ảnh: Hiền Mai
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật