A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô

Phát triển hệ thống an sinh xã hội (ASXH) nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn là mục tiêu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền Thủ đô hướng tới. Thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác bảo đảm ASXH.

Tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%

Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, kế hoạch ban hành văn bản thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển hệ thống ASXH, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” cơ bản đã hoàn thành.

Trong 9 tháng năm 2023, các thành viên Ban chỉ đạo đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 19 văn bản liên quan đến Chương trình số 08-CTr/TU. Các chế độ, chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đã được thành phố ban hành. Đến nay, có 20/27 chỉ tiêu (chiếm 74% tổng số chỉ tiêu) hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch của giai đoạn 2021-2025 (tăng thêm 1 chỉ tiêu so với 6 tháng đầu năm 2023). 

Gia đình chị Chu Thị Hòa, dân tộc Mường ở thôn 3, xã Ba Trại (Ba Vì, Hà Nội) được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để mở rộng diện tích trồng chè cho hiệu quả tốt. Ảnh: TRẦN VIỆT

Điển hình là tỷ lệ thất nghiệp đạt mục tiêu còn dưới 3%; tỷ lệ giải quyết việc làm đạt 107% kế hoạch (đến tháng 9-2023, thành phố giải quyết việc làm cho 171.228 lao động). Về tỷ lệ hộ nghèo, đến đầu năm 2023, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo, trong đó có 16/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo.

Từ đầu năm 2021 đến nay, 100% cá nhân, hộ gia đình gặp rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn hoặc các lý do bất khả kháng khác được trợ giúp đột xuất kịp thời. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Hội Chữ thập đỏ các cấp cùng ban, ngành, đoàn thể địa phương cũng đã tích cực thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời các gia đình gặp rủi ro.

Chương trình tín dụng chính sách được đẩy mạnh, góp phần tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập ổn định. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Nhờ nguồn vốn chính sách, hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn TP Hà Nội đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp 

Theo Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội Phạm Văn Quyết, căn cứ vào nhu cầu vay vốn từ các địa phương, NHCSXH thực hiện linh hoạt những giải pháp cân đối vốn tín dụng, đẩy nhanh việc thu hồi các khoản vay đến hạn để tổ chức quay vòng, giải quyết vốn đến các đối tượng lao động có nhu cầu vay. 

Từ năm 2020 đến hết ngày 30-9-2023, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm giải ngân qua chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã hỗ trợ vốn cho 257.590 lượt khách hàng, góp phần thu hút, tạo việc làm cho 269.100 lao động. Bình quân mỗi năm góp phần thực hiện 42% kế hoạch giải quyết việc làm của thành phố.

Mặc dù nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã được thành phố quan tâm bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân, dẫn đến tình trạng chia nhỏ vốn cho nhiều người vay, mức cho vay thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Theo rà soát, trong năm 2023 và giai đoạn 2024-2025, trên địa bàn TP Hà Nội còn thiếu 2.600 tỷ đồng tiền vốn cho vay giải quyết việc làm.

Vì vậy, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách chuyển bổ sung vốn ủy thác sang chi nhánh NHCSXH thành phố để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, bổ sung đối tượng được vay vốn chương trình cho vay xuất khẩu lao động từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội ủy thác qua NHCSXH gồm: Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo chuẩn thành phố, người lao động cư trú hợp pháp tại các huyện ngoại thành.

leftcenterrightdel
Nhờ vốn vay giải quyết việc làm, gia đình chị Dương Thị Nhâm, dân tộc Dao, ở thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì (Ba Vì, Hà Nội) đã mở rộng sản xuất, thu mua cây dược liệu. Ảnh: TRẦN VIỆT 

Hà Nội hiện có 2 chỉ tiêu gặp khó khăn trong quá trình phát triển hệ thống ASXH, gồm: Tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe và tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia Chương trình sữa học đường. Chương trình sữa học đường đã được thay thế bằng Chương trình sức khỏe học đường. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đề nghị thay thế bằng chỉ tiêu “90% trường học có tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn học đường đạt chuẩn theo quy định”.

Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU, đề nghị các đơn vị tiếp tục rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của thành phố để bảo đảm ASXH, phúc lợi xã hội, chăm lo cho đời sống nhân dân.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng cơ bản thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, xã hội bảo đảm tiến độ, chất lượng, góp phần phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh giải quyết thủ tục đầu tư các dự án; huy động nguồn lực để xã hội hóa đầu tư phát triển hệ thống ASXH.


Tags: Hà Nội
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết