A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hỗ trợ người dân những gì thiết thực nhất

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Phạm Lê Tuấn, Chủ tịch Hội Quân dân y Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, cùng nhiều lực lượng chức năng khác, ngay khi bão lũ tàn phá, gây ngập lụt, Hội Quân dân y Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người dân vùng lũ lụt.

Đồng hành với y tế địa phương

Phóng viên (PV): Trước hậu quả nghiêm trọng mà bão số 3 gây ra cho nhiều địa phương trên cả nước, Hội Quân dân y Việt Nam đã triển khai những hoạt động gì để hỗ trợ người dân, thưa ông?

PGS, TS Phạm Lê Tuấn. Ảnh: AN AN 

PGS, TS Phạm Lê Tuấn: Diễn biến sau cơn bão số 3 hết sức ác liệt, hậu quả nghiêm trọng, nặng nề. Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, cán bộ, nhân viên của Hội Quân dân y Việt Nam đã phản ứng tức thì, có những đề xuất thiết thực. Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực y tế, cán bộ hội đã phối hợp, tư vấn với các đơn vị hỗ trợ sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhất cho người dân vùng ngập lụt như nhu yếu phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, các loại hóa chất tẩy rửa môi trường... Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ kêu gọi các đơn vị hỗ trợ thuốc thiết yếu, thuốc khử trùng, hỗ trợ máy, vật tư y tế cho các trung tâm y tế và hỗ trợ gia đình nhân viên y tế bị ảnh hưởng nặng nề, để nhân viên y tế yên tâm tập trung chăm lo sức khỏe cho người dân tại các địa bàn. Hội cũng sẽ đồng hành với y tế địa phương chăm sóc sức khỏe cho bà con.

PV: Sau khi nước lũ rút, người dân sẽ phải đối mặt với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da, an toàn thực phẩm... Ông có khuyến cáo gì với người dân trong việc bảo đảm sức khỏe sau bão lũ?

PGS, TS Phạm Lê Tuấn: Sau mưa lũ, tại những vùng bị lũ lụt, nguồn nước thường bị bẩn, ô nhiễm do chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết... lẫn vào nước sông, suối, ao hồ. Nguồn nước nhiễm bẩn khiến vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, bùng phát, dẫn đến lan truyền mầm bệnh. Các bệnh dễ mắc phải như bệnh về da, các bệnh về đường ruột và đường tiêu hóa, các bệnh về mắt... Bộ Y tế đã hướng dẫn trước mưa lũ và sau khi nước rút người dân cần phải làm gì để bảo đảm vệ sinh môi trường. Về phía Hội Quân dân y Việt Nam, chúng tôi đã liên hệ những chuyên gia để có hướng dẫn người dân cụ thể.

Phối hợp để bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau”

PV: Hiện nay có tình trạng hỗ trợ người dân vùng lũ ồ ạt, đặc biệt là thực phẩm. Có nhiều thực phẩm đến được tay người dân nhưng không thể sử dụng được vì bị hỏng... Từng có kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ bà con vùng bão lũ, theo ông nên hỗ trợ mặt hàng gì thiết thực nhất đối với người dân?

Kiểm tra thuốc tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Oai, TP Hà Nội. Ảnh: DUY TUÂN 

PGS, TS Phạm Lê Tuấn: Khi thiên tai chúng ta mới thấy nghĩa đồng bào được thể hiện rất rõ. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, tập thể... đều sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người dân vùng lũ. Đây là nét đẹp nhân văn truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm của những năm chống bão lũ trước đây, nếu không làm tốt công tác điều phối thì sẽ xảy ra tình trạng có nơi có quá nhiều hàng cứu trợ, có nơi địa hình hiểm trở, chia cắt lại không được nhận cứu trợ. Theo kinh nghiệm của tôi, chúng ta cần kết nối với địa phương trước khi đến, có đầu mối tiếp nhận để công tác tiếp nhận nhịp nhàng, hài hòa. Lưu ý với những nhà tài trợ, sản phẩm đưa đến phải có hạn sử dụng dài. Thực tế đã có nhiều nơi khi thực phẩm đến được tay người dân thì không còn sử dụng được. Đó là điều thực sự đáng tiếc. Nếu là đồ thực phẩm chế biến sẵn, chúng ta cần phải tính khoảng thời gian vận chuyển đến điểm tập kết hàng hóa của địa phương, rồi người có trách nhiệm mới phân phát đến cho từng khu vực. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, công tác bảo quản không thể bảo đảm thì việc người dân nhận được đồ không còn sử dụng được cũng là điều dễ hiểu. Bởi vậy, công tác điều phối cần nhịp nhàng, tìm hiểu trước nhu cầu cấp thiết nhất của người dân tại nơi muốn làm từ thiện, những gì cần thiết nhất thì hãy mang đến cung cấp cho người dân. Chúng ta đã có một hệ thống liên lạc như Quân đội, Công an, y tế, mặt trận Tổ quốc, hội chữ thập đỏ... ở mỗi địa phương. Các đơn vị tài trợ nên liên hệ trước với họ, qua đó biết được nên hỗ trợ người dân cái gì là thiết thực nhất, hiệu quả nhất, khắc phục được tình trạng lãng phí và quan trọng là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

PV: Qua bão lũ càng thấy vai trò của y tế cơ sở ở vùng cao vô cùng quan trọng. Ý kiến của ông về vấn đề này?

PGS, TS Phạm Lê Tuấn: Phải khẳng định trong hệ thống y tế thì y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng. Đây là mạng lưới y tế gần dân nhất, tuyến đầu trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đó là tuyến “phòng thủ” đầu tiên của hệ thống y tế. Khi địa hình bị chia cắt, ngành y tế sẽ vận dụng “4 tại chỗ” để bảo đảm chăm sóc, điều trị bệnh nhân không bị gián đoạn. Trong những thời điểm cấp bách như hiện nay, khi chưa thể có sự hỗ trợ của tuyến trên, y tế cơ sở đóng vai trò quyết định trong cấp cứu ban đầu. Thiên tai ngày càng biến đổi khó lường, bất ngờ, cho nên trong công tác phòng, chống thiên tai, việc phản ứng nhanh, ngay từ giờ đầu sẽ giúp giảm thấp nhất thiệt hại. Thực tế những năm qua cho thấy, y tế cơ sở đã phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ, hỗ trợ tích cực cho chính quyền địa phương và người dân trong việc giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


Tags: hỗ trợ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết