Nông dân miền núi Hà Tĩnh làm giàu từ loài ong bản địa
Từ một nghề truyền thống, nuôi ong lấy mật đang trở thành hướng phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định của người dân miền núi Hà Tĩnh.
Làm giàu từ loài ong bản địa
Nuôi ong lấy mật từ lâu đã là một nghề truyền thống gắn bó với người dân miền núi Hà Tĩnh. Những năm gần đây, nghề nuôi ong, đặc biệt là khai thác loài ong bản địa, đang trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành hướng phát triển kinh tế tiềm năng, mang lại thu nhập ổn định và mở ra nhiều cơ hội việc làm cho bà con nơi đây.
Loài ong bản địa sinh trưởng tốt tại các địa phương miền núi Hà Tĩnh. Ảnh: Phúc Sơn
Ông Hồ Văn Bình (thôn Đồng Phúc, xã Sơn Giang) chia sẻ, miền núi Hà Tĩnh với địa hình đa dạng, rừng cây phong phú, là môi trường lý tưởng cho sự phát triển của loài ong bản địa. Mật ong nơi đây chất lượng cao, hương vị đặc trưng mà ít nơi nào có được là do có thảm thực vật đa dạng với nhiều loài hoa rừng đặc trưng.
Theo ông Bình, khi thu hoạch mật, phải thực hiện các thao tác nhẹ nhàng và tỉ mỉ. Dùng dao chuyên dụng để cắt bỏ lớp sáp trên những ô mật đã chín. Sau đó, từng cầu ong nặng trĩu mật được nhẹ nhàng đưa vào máy quay mật, quá trình tách mật vàng óng, sánh mịn ra khỏi sáp bắt đầu.
Người dân miền núi Hà Tĩnh mạnh dạn tăng đàn, mở rộng quy mô để nâng cao thương hiệu mật ong. Ảnh: Phúc Sơn
Nhận thấy lợi ích kinh tế từ nuôi ong lấy mật, ông Lê Khánh Ngọc (trú tại thôn Yên Long, xã Sơn Giang) mạnh dạn đầu tư 50 đàn kết hợp trồng cây ăn quả. Ông chia sẻ: “Trước đây, bà con mình chủ yếu đi rừng tìm tổ ong hoang dã. Vừa nguy hiểm, năng suất lại không cao. Sau này, thấy tiềm năng của ong nội, tôi mạnh dạn đầu tư, học hỏi kỹ thuật nuôi ong từ những mô hình tiên tiến. Dần dần, đàn ong phát triển, sản lượng mật tăng lên đáng kể”.
Nhờ kinh nghiệm dày dặn, hiện nay đàn ong của ông Ngọc cho gần 600 lít mật mỗi năm. Với giá bán ổn định như hiện nay, mỗi năm ông Ngọc có thể thu về 120-150 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn phát triển nghề nuôi ong giống và bán dụng cụ nuôi ong, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định.
Đánh thức tiềm năng kinh tế từ nghề nuôi ong
Nhận thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt từ nghề nuôi ong bản địa, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương cũng tích cực vào cuộc, đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nghề nuôi ong.
Trên cơ sở đó, năm 2024, Hợp tác xã Mật ong Cường Nga tại xã Sơn Giang đã trở thành cơ sở đầu tiên ở Hà Tĩnh có sản phẩm mật ong đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Mật ong tại miền núi Hà Tĩnh có chất lượng cao, hương vị đặc trưng mà ít nơi nào có được. Ảnh: Phúc Sơn
Ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Hợp tác xã Mật ong Cường Nga cho biết, để xây dựng, giữ vững được thương hiệu, nâng cao chất lượng mật ong địa phương, HTX đã thường xuyên cập nhật kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quy trình nuôi ong và khai thác mật. Chú trọng từ khâu chọn giống, chăm sóc đàn ong đến quy trình thu hoạch và bảo quản mật, đảm bảo sản phẩm luôn đạt chất lượng tốt nhất.
"Tôi cùng bà con cũng tích cực tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá mật ong. Ngoài kênh bán hàng truyền thống, HTX đã linh hoạt tiếp cận các nền tảng số như Facebook, Zalo và các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, luôn lắng nghe ý kiến của khách hàng, không ngừng cải tiến sản phẩm, dịch vụ, xây dựng niềm tin và uy tín cho thương hiệu", Giám đốc Hợp tác xã Mật ong Cường Nga chia sẻ thêm.
Người dân luôn tỉ mỉ từ khâu chọn giống, làm tổ, chăm sóc đến thu hoạch và bảo quản mật ong. Ảnh: Phúc Sơn
Hiện tại, mật ong thô chưa qua xử lý có giá khoảng 250.000 đồng/lít, trong khi mật cao cấp có giá lên tới 400.000 đồng/lít. Mỗi năm, HTX Mật ong Cường Nga sản xuất, cung ứng khoảng 3.000 đàn giống, trên 25 tấn mật ra thị trường, đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng mỗi năm.
Trả lời phóng viên Báo Công Thương, ông Võ Tá Nghĩa - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh đang sở hữu hơn 45.000 đàn ong mật, tập trung chủ yếu tại các địa bàn như Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc...
Mật ong Hà Tĩnh đang dần khẳng định vị thế trên thị trường, trở thành thương hiệu được người tiêu dùng yêu thích và tin tưởng. Hiện nay, một số sản phẩm đã thực hiện các công đoạn chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm và phân phối ra thị trường các tỉnh.
Các hợp tác xã không ngừng cải tiến sản phẩm, dịch vụ, xây dựng niềm tin và uy tín cho thương hiệu. Ảnh: Phúc Sơn
“Thời gian qua, Sở Công Thương đã tổ chức, hỗ trợ các cơ sở tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ trong và ngoài nước, tham gia các hội nghị kết nối cung cầu để các cơ sở gặp gỡ, trao đổi với các đối tác. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ các cơ sở quảng bá, giới thiệu sản phẩm, livestream bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, đưa các sản phẩm vào chuỗi thực phẩm sạch”, Phó giám đốc Sở Công Thương chia sẻ thêm.
Sự phát triển của nghề nuôi ong không chỉ mang lại thu nhập cho người nông dân mà còn góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho lao động địa phương. Từ những người trực tiếp chăm sóc ong, thu hoạch mật đến những người tham gia vào khâu chế biến, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm, tất cả đều có công việc ổn định, thu nhập khá. Điều này đã góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho bà con miền núi.