Tiêu điểm
Thứ bảy, 19/07/2025 - 16:13
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng tầm sản vật miền núi bằng thương hiệu

Sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số và miền núi cần có thương hiệu để định vị trên thị trường, đồng thời nâng cao giá trị, mang lại thu nhập tốt cho bà con.

Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu sản phẩm luôn là vấn đề khó và nhân đôi độ khó với sản phẩm miền núi. Bà Trịnh Thị Thanh Thủy, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương đã phân tích nhiều khía cạnh trong lĩnh vực này.

Bà Trịnh Thị Thanh Thủy, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương

Bà Trịnh Thị Thanh Thủy, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương

Nhiều rào cản trong xây dựng thương hiệu cho sản vật miền núi

- Sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày một cải thiện về chất, đồng thời ẩn dấu câu chuyện văn hóa phía sau, tuy nhiên vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, theo bà nguyên nhân là gì?

Bà Trịnh Thị Thanh Thủy: Nguyên nhân thì có nhiều nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là về phía người sản xuất ra sản phẩm. Với bà con dân tộc thiểu số việc nhận thức về giá trị, vai trò của xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chưa chắc đã đầy đủ. Chưa kể tới việc để xây dựng thương hiệu thì cần điều kiện gì, nguồn lực ra sao, đơn vị nào có thể hỗ trợ cũng chưa được bà con tính đến.

Do vậy, bên cạnh  việc định hướng cho bà con là sản xuất xanh, sản xuất hữu cơ, sản xuất an toàn, sản xuất theo vùng trồng để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội về chất lượng sản phẩm, chính quyền địa phương cũng cần sát sao hơn nữa, cùng vào cuộc giúp cho bà con xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm.

Sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số tốt về chất nhưng chưa nhiều về lượng. Ảnh minh họa

Sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số tốt về chất nhưng chưa nhiều về lượng. Ảnh minh họa

Trên thực tế, những năm qua, ngành Công Thương ở địa phương, trong đó có các tỉnh miền núi đã triển khai cũng như phối hợp với ngành nông nghiệp thực hiện các hoạt động hỗ trợ bà con xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, với đặc thù cũng như năng lực nội tại của bà con dân tộc thiểu số còn hạn chế, các đơn vị cần phương thức mạnh mẽ hơn để khuyến khích bà con chủ động tham gia.

- Với những vấn đề vừa phân tích, bà cho rằng cần giải pháp như thế nào để có thể xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?

Bà Trịnh Thị Thanh Thủy: Theo tôi, điều đầu tiên cần làm là sớm nâng cao nhận thức của bà con về những lợi ích khi sản phẩm được đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu và bảo hộ thương hiệu của mình. Nếu cứ sản xuất và đưa ra thị trường bán trôi nổi, đến một lúc nào đó có chủ thể khác trong nền kinh tế đăng ký thương hiệu sản phẩm đó, bà con sẽ mất đi quyền để đăng ký.

Cùng đó, muốn có thương hiệu mạnh, phải có sản phẩm mạnh. Sản phẩm cho dù có tính đặc trưng nhưng muốn tiêu thụ được phải đáp ứng nhu cầu thị trường. Hơn nữa, thị trường đã mở cửa, sản phẩm không còn nằm trong phạm vi quốc gia mà phải tuân theo quy chuẩn quốc tế. Có như vậy, mới có thể cạnh tranh, có chỗ đứng trên thị trường, từ đó mới tính đến câu chuyện thương hiệu.

Riêng về mặt sản xuất, trong số các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ cần đặc biệt chú ý. Điều này không chỉ giúp chứng minh nguồn gốc mà còn tạo sự minh bạch và tin tưởng với người tiêu dùng. Cùng đó, quy mô hay sản lượng hàng hóa cũng cần được lưu ý. Nếu sản xuất ra sản phẩm rất ngon nhưng sản lượng ít, không đủ tiêu thụ cũng không được. Hơn nữa, bà con thấy rằng sản xuất ít mà vẫn tiêu thụ được thì sẽ không tính đến bài toán phải xây dựng thương hiệu, mở rộng quy mô. Do đó, cả chất lượng và số lượng đều phải mạnh.

Sản xuất với quy mô hàng hóa là điều kiện cần để sản vật miền núi mở rộng tiêu thụ, định vị thương hiệu. Ảnh minh họa

Sản xuất với quy mô hàng hóa là điều kiện cần để sản vật miền núi mở rộng tiêu thụ, định vị thương hiệu. Ảnh minh họa

Thực tế, ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa đã có những sản phẩm có thương hiệu, nhiều nhất là cà phê, hạt tiêu, hạt điều… những sản phẩm này không chỉ có giá trị cao mà đã được xuất khẩu ra nhiều thị trường. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều, còn lại nhiều sản phẩm có tiềm năng chưa được khai thác.

Cần sự chung sức của các bộ, ngành, địa phương

- Có thể thấy xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là khó với bà con dân tộc thiểu số, theo bà vai trò của các bộ ngành ra sao để hỗ trợ giải quyết vấn đề này?

Bà Trịnh Thị Thanh Thủy: Để hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm cho bà con dân tộc thiểu số và miền núi cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ ngành, trong đó có ngành nông nghiệp và ngành Công Thương. Ngành nông nghiệp phụ trách hướng dẫn kỹ thuật, giống, phân bón cho bà con. Ngành Công Thương định hướng các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường làm kim chỉ nam cho bà con triển khai trong sản xuất.

Bên cạnh đó, để có thể sản xuất theo quy mô hàng hóa liên quan đến quy hoạch. Điều này liên quan đến vai trò của địa phương trong công tác quy hoạch vùng trồng và xác định sản phẩm thế mạnh.

Và cuối cùng là liên quan đến hạ tầng logistic để cung ứng các sản phẩm đầu vào và vận chuyển đầu ra cho bà con một cách trôi chảy nhưng phải có chi phí hợp lý. Đó còn chưa kể tới trong dài hạn phải phát triển logistic xanh hay phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số cũng là một thành tố của nền kinh tế do đó không thể nằm ngoài xu thế chung.

Bà Trịnh Thị Thanh Thủy, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương: Sản phẩm của bà con cũng là một thành tố trong nền kinh tế, muốn xây dựng được thương hiệu và được thị trường đón nhận cần phải tiêu chuẩn hóa sản xuất, quy hoạch vùng trồng và minh bạch về nguồn gốc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật