A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một tỉnh – Ba thế mạnh: Kịch bản phát triển cho Vĩnh Long mới

Với ba mảnh ghép đặc trưng là: Nông sản dừa, điện gió và logistics nội đồng, tỉnh Vĩnh Long mới đang đứng trước cơ hội tái định hình mô hình phát triển kinh tế vùng.

Ba bản sắc, một cơ hội tái định hình kinh tế vùng

Với diện tích hơn 6.300 km2, dân số trên 4 triệu người, tỉnh Vĩnh Long mới (Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh cũ) là một trong những đơn vị hành chính có mật độ kinh tế - xã hội đan xen bậc nhất cả nước. Nhưng đằng sau bản đồ mới ấy lại là một vấn đề vô cùng quan trọng: Làm thế nào để giữ được bản sắc địa phương trong khi vẫn lắp ghép trơn tru vào chuỗi giá trị liên vùng, từ nông nghiệp, năng lượng đến logistics biển.

Việc sáp nhập đã giúp Vĩnh Long mới mở ra một không gian kinh tế ven biển. Từ một tỉnh nằm sâu trong đất liền, Vĩnh Long giờ có thêm hơn 130 km đường bờ biển, sở hữu 6 cửa sông lớn và một chuỗi cụm cảng đang được quy hoạch. Dù chưa có số liệu hợp nhất chính thức cho tỉnh mới sau sáp nhập, nhưng một điều có thể thấy rõ là ba địa phương cũ mang theo ba “chất riêng” rất khó trộn lẫn. Chính sự khác biệt ấy đang trở thành bài toán – và cũng là cơ hội, để tái định hình lại bản sắc kinh tế vùng.

Bến Tre cũ từ lâu đã được biết đến như “vương quốc dừa” của cả nước

Bến Tre cũ từ lâu đã được biết đến như “vương quốc dừa” của cả nước

Bến Tre cũ từ lâu đã được biết đến như “vương quốc dừa” của cả nước, với khoảng 80.000 ha diện tích và kim ngạch xuất khẩu năm qua đạt gần nửa tỷ USD. Nơi đây không chỉ mạnh về sản lượng, mà còn tiên phong trong hướng đi sinh học, từ bao bì xanh đến thực phẩm chức năng và viên nén sinh khối.

Trong khi đó, Trà Vinh (cũ) được biết đến với rất nhiều các dự án điện gió ven biển. Cụ thể, tính đến năm 2025, Trà Vinh cũ đã đưa vào hoạt động thương mại 5 dự án điện gió với tổng công suất đạt 322 MW, đồng thời có 4 dự án điện gió đang thi công với tổng công suất 344 MW, dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay. Ngoài ra, còn có 1 dự án điện mặt trời công suất 140 MW đã hoạt động thương mại và 1 dự án điện sinh khối 25 MW đang được xây dựng.

Còn Vĩnh Long cũ, tuy không giáp biển nhưng lại giữ vai trò trung tâm logistics nội đồng nhờ 60.000 ha cây ăn trái cùng hệ thống kho lạnh, sơ chế tập trung, kết nối thuận lợi cả đường sông lẫn đường bộ đến các thị trường lớn.

Trà Vinh (cũ) là “thủ phủ gió” ven biển.

Trà Vinh (cũ) là “thủ phủ gió” ven biển.

Hướng đi mới cho một cực tăng trưởng xanh và liên kết

Từ ba mảnh ghép ấy, tỉnh mới đang có cơ hội tổ chức lại mô hình phát triển theo hướng cụm ngành liên vùng. Cảng Định An (Trà Vinh cũ) có thể được nâng cấp thành cảng trung chuyển chính cho toàn vùng. Bến Tre có thể đóng vai trò trung tâm chế biến và bảo quản nông – thủy sản với thế mạnh dừa, trái cây, thủy sản nước lợ. Vĩnh Long, với vị trí trung tâm, sẽ là nơi đặt các trung tâm logistics đường thủy, điểm gom hàng và kho liên vận. Việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng sẽ không chỉ giúp giảm chi phí, mà còn đảm bảo thời gian vận chuyển – yếu tố sống còn khi xuất khẩu hàng tươi sống như thủy sản, trái cây tươi.

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Vinh (ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), Vĩnh Long mới “có thể lấy kinh tế biển làm động lực chủ lực”. Sáp nhập không chỉ là gộp địa giới, mà là tạo ra một đơn vị hành chính, kinh tế đủ lớn để hoạch định và triển khai các chiến lược phát triển vĩ mô. Trong đó có logistics, đặc biệt là hành lang sông, biển sẽ là một trong những đòn bẩy chiến lược.

Logistics, đặc biệt là hành lang sông, biển sẽ là một trong những đòn bẩy chiến lược của Vĩnh Long mới.

Logistics, đặc biệt là hành lang sông, biển sẽ là một trong những đòn bẩy chiến lược của Vĩnh Long mới.

Song song đó là mô hình kinh tế tuần hoàn từ nông nghiệp. Các phụ phẩm như xơ dừa, vỏ trái cây hay bã mía đang được khuyến khích tái sử dụng để sản xuất viên nén sinh học, chất đốt và phân hữu cơ, vừa giảm thiểu rác thải, vừa tạo giá trị gia tăng. Một ý tưởng đang được thử nghiệm là thành lập các cụm xử lý phụ phẩm tập trung, biến phần bị bỏ đi thành đầu vào cho ngành năng lượng sạch và nông nghiệp hữu cơ.

Không chỉ tập trung vào sản xuất, lĩnh vực du lịch cũng được định hướng rõ ràng trong bản đồ phát triển vùng. Hướng tiếp cận mới không phải là xây dựng điểm đến riêng lẻ mà là tạo thành tuyến hành trình trải nghiệm liên tỉnh. Với tour ba ngày, du khách có thể khám phá làng nghề dừa ở Bến Tre cũ, ngủ homestay giữa miệt vườn Vĩnh Long cũ và tìm hiểu văn hóa Khmer tại Trà Vinh cũ. Các điểm đến chia sẻ chung dữ liệu du lịch, cùng xây dựng thương hiệu vùng thống nhất, nhưng vẫn giữ bản sắc từng địa phương.

Trong bối cảnh mới này, Vĩnh Long không chỉ là một tên gọi hành chính trên bản đồ mà là biểu tượng của sự chuyển mình mạnh mẽ, nơi những giá trị truyền thống được gìn giữ và những tiềm năng mới được khai phá. Sự sáp nhập không chỉ mang lại diện mạo địa lý rộng lớn hơn mà còn kiến tạo một tỉnh Vĩnh Long mới với bản sắc kinh tế đa dạng và liên kết chặt chẽ, sẵn sàng vươn mình trở thành một cực tăng trưởng năng động, bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật