Trước kia, thị trấn Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) là vùng đất gắn bó lâu đời với nghề ủ giá bằng cát sông Trà Khúc, với gần 100 hộ dân theo nghề. Nhưng giờ đây, nghề truyền thống này đang dần lụi tàn bởi giá đỗ công nghiệp tràn ngập thị trường, thời tiết ngày càng thất thường, trong khi nguồn cát sông Trà Khúc được coi là linh hồn của nghề cũng trở nên khan hiếm vì bị khai thác quá mức.
Gắn bó với nghề ủ giá bằng cát hơn 40 năm, bà Nguyễn Thị Phước (66 tuổi, sống tại thị trấn Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh), nay là một trong ba hộ cuối cùng còn giữ nghề truyền thống bên sông Trà Khúc. Bà tận dụng khoảng đất trống đối diện nhà để đặt 15 thùng phuy ủ giá.
Theo bà Phước, để cho ra những cọng giá sạch, khâu đầu tiên là chọn đậu xanh chất lượng tốt. Cùng với đó, cát dùng để ủ giá cũng phải là loại cát sạch được mua từ ven sông Trà Khúc. Sau khi mua về, cát được sàng kỹ để loại bỏ rác và sỏi, chỉ giữ lại phần mịn nhất. Đặc biệt, cát chỉ dùng 2 - 3 lần cho mỗi mẻ ủ; nếu sử dụng nhiều lần, đậu sẽ không nảy mầm.
Mỗi ngày, bà Phước đều trộn đậu với cát, rồi cho hỗn hợp vào các thùng phuy. Sau khoảng 4 ngày, giá bắt đầu bung mầm và có thể thu hoạch. Trung bình, 1kg đậu xanh sẽ cho ra khoảng 6kg giá. Mỗi ngày, gia đình bà sẽ thu hoạch khoảng 20kg, đem bán cho thương lái với giá 10.000 đồng/ký.
Bà Phước cho biết, “Giá đỗ ủ bằng cát rất sạch, ngọt, giòn và vẫn giữ được mùi thơm đặc trưng của đậu xanh. Nhưng nghề cực, thu nhập thấp, trong khi tiền mua cát lại cao, tốn nhiều công sức. Vì vậy, phần lớn bà con trong xóm đều bỏ nghề, giờ chỉ còn vỏn vẹn 3 hộ theo”.
 |
Ủ giá đỗ bằng cát sông Trà Khúc là nghề truyền thống của người dân thị trấn Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi |
 |
Từ hàng trăm hộ theo nghề, nay chỉ còn lại 3 hộ bám trụ với giá ủ bằng cát |
 |
Ngày trước, người dân chỉ cần đào hố ngay trên bãi bồi sông Trà Khúc để gieo đậu. Nay, bãi bồi cát lẫn đầy sỏi đá, nên người dân mua cát về sàng rồi mới đưa vào thùng phuy ủ giá |
 |
Đậu xanh sau khi ngâm được trộn với cát đã sàng sạch, cho vào thùng phuy |
 |
Để giữ độ ẩm giúp giá phát triển tốt trong cát, người dân sẽ tưới nước hai lần mỗi ngày |
 |
Sau khoảng 4 ngày, những hạt đậu xanh bắt đầu bung mầm, cho ra những cọng giá trắng ngà, sẵn sàng thu hoạch |
 |
Khi giá đạt đến độ dài vừa phải, người dân đổ ra từ thùng ủ và dùng rổ xẩy nhẹ để làm sạch lớp cát bám trên thân |
 |
Người dân tiếp tục nhặt bỏ những cọng giá bị hư, không đạt chất lượng |
 |
Nhờ được ủ trong lớp cát sông Trà Khúc, giá trồng thủ công có thân dài, rễ nhiều, vị giòn ngọt |
 |
Giá sau khi làm sạch sẽ được rửa lại một lần nữa rồi mới mang ra chợ bán |
 |
Người dân sử dụng nước giếng khoan để rửa giá |
 |
Giá sau khi rửa sạch sẽ được mang ra chợ bán cho thương lái với giá 10.000 đồng/kg. |
Giá đỗ là loại thực phẩm quen thuộc, thường xuyên góp mặt trong mâm cơm của người Việt. Với hương vị thanh mát, giòn ngọt cùng hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, giá được xem là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Khác với phương pháp ủ giá bằng rơm, thùng xốp, người dân thị trấn Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi lại áp dụng cách làm giá đỗ độc đáo bằng cách ủ trong cát. Nhờ kỹ thuật đặc biệt này, giá đỗ nơi đây nổi bật với màu trắng sạch, thân giòn và vị ngọt tự nhiên, an toàn cho sức khỏe. |