A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư duy và cách làm mới nông nghiệp

Tin vui ngay từ những ngày đầu năm 2022 đến với nông dân tỉnh An Giang và Kiên Giang, đó là Tập đoàn Tân Long ký hợp tác với chính quyền hai địa phương này nhằm xây dựng vùng nguyên liệu có diện tích lên đến 60 nghìn héc-ta để sản xuất lúa chất lượng cao.

Theo thỏa thuận thì tập đoàn trên sẽ tập trung xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo bền vững và phát triển 50 hợp tác xã, 200 tổ hợp tác nông nghiệp để tổ chức sản xuất theo quy mô lớn. Ngoài diện tích liên kết trực tiếp, doanh nghiệp còn cam kết thu mua lúa với số lượng lớn, ổn định cho nông dân trong vùng.

Thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế SRP trên cánh đồng Hợp tác xã Nông nghiệp Kênh 5B, xã Tân An, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang. Ảnh: TTXVN 

Việc ký thỏa thuận giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương cùng người nông dân là tín hiệu vui, đáng mừng khi xây dựng và phát triển chuỗi liên kết trong xây dựng vùng nguyên liệu và mô hình hợp tác xã kiểu mới. Hy vọng mô hình trên trở thành mô hình kiểu mẫu trong sản xuất nông nghiệp, để sớm nhân rộng ra toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Nhớ lại những năm trước đây, các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trồng lúa trong bảo đảm nguồn nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, sự liên kết này luôn lỏng lẻo, không bền vững nên thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa thì giá thấp hoặc giữa doanh nghiệp và người nông dân không có sự thấu hiểu, thiếu tiếng nói chung. Các doanh nghiệp chỉ ký kết chung chung, thiếu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, không bảo đảm chuẩn an toàn thực phẩm... Ngoài ra, do các cơ quan quản lý quá dễ dãi trong sản xuất nông nghiệp nên để người nông dân tự do sản xuất với tư duy thích thì làm, không thì thôi, đến khi không tiêu thụ được mới kêu “giải cứu”. Với tư duy này thì không thể phát triển bền vững được.

Với tư duy mới, hoạch định ở tầm phát triển bền vững ngành nông nghiệp, mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đã xác định chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu thị trường. Chiến lược đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 5,5-6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu; tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 5-6%/năm... Chiến lược cũng có tầm nhìn xa hơn khi xác định đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Có được định hướng với tư duy mới chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, ngành nông nghiệp cả nước sẽ đổi mới cách nghĩ, cách làm, xây dựng mô hình mẫu để phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với thị trường thế giới. Cũng chính vì có định hướng, thời gian tới, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng với yêu cầu về khả năng tiếp cận, trình độ ứng dụng và các thành tựu khoa học, kỹ thuật với công nghệ tiên tiến để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, nông thôn Việt Nam văn minh, xanh, sạch, giàu đẹp.


Tags: qdnd
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết