Vì sao nhiều nông dân chưa mặn mà tham gia hợp tác xã?
Thực tế cho thấy, hợp tác xã (HTX) là giải pháp đầu tiên trong các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất của kinh tế hộ cá thể, cơ cấu lại nền nông nghiệp nước ta ở quy mô lớn hơn.
Bởi chỉ có hợp tác, liên kết hàng triệu hộ nông dân nhỏ lẻ mới tạo ra vùng sản xuất tập trung, đồng bộ và hiện đại; tạo tiền đề quan trọng để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, sản xuất ra lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Lợi ích lớn như thế nhưng vì sao mới có khoảng 30% tổng số hộ nông dân cả nước tham gia vào các hợp tác xã?
Ông Hồ Minh Thu ở xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) là một trong những nông dân tiêu biểu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh năm 2022. Dù rất giỏi làm kinh tế hộ gia đình nhưng khi nói đến việc tham gia HTX, ông Thu lại băn khoăn: “Chính tôi đã đi học rất nhiều khóa HTX, tổ hợp tác; tham quan các mô hình ở 8 tỉnh miền Trung nhưng tôi cũng không làm được. Ở đâu tôi không biết chứ địa phương tôi 10 cái HTX thì 9 cái tự nó rã, giỏi lắm còn một cái nó cầm cự thôi. Nhìn lại tôi thấy khó lắm. Nhiều lãnh đạo HTX đề cao lợi ích cá nhân, không minh bạch, lấy tiền chung đi làm chuyện riêng... vậy tôi vô để làm gì?”.
Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp-sản xuất-thương mại và dịch vụ Phước An ở xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh thu hoạch rau xanh. Ảnh: HOÀNG MINH |
Câu chuyện ông Hồ Minh Thu chia sẻ không phải cá biệt. Khi tham gia vào HTX, các thành viên đều có quyền bình đẳng, được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập của HTX. Tuy nhiên, không ít cá nhân lợi dụng HTX để tư lợi riêng, hoặc hiểu chưa đúng Luật HTX nên hoạt động không đúng bản chất, thiếu minh bạch. Từ đó, làm giảm niềm tin và động lực tham gia HTX của nông dân.
Tiến sĩ Ninh Đức Hùng, Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 1, phân tích thêm: “HTX là một tổ chức kinh tế tự nguyện. Người góp 1% cũng như người góp tối đa 20% vốn, quyền biểu quyết như nhau, rất khác với doanh nghiệp. Và khi chúng ta triển khai một công việc, kế hoạch sản xuất, kinh doanh thì ban giám đốc, hội đồng quản trị phải họp, xin ý kiến từ các thành viên. Bởi vậy, nếu HTX hoạt động không thực chất thì rất khó tồn tại”.
Một vấn đề nữa là nhiều HTX không “sinh ra” từ mong muốn của nông dân mà theo phong trào, vì ý chí chủ quan, mục tiêu chính trị của cán bộ. Những HTX kiểu này chỉ có “phần xác” mà không có “phần hồn”, có đăng ký kinh doanh nhưng lại không hoạt động. Minh chứng rõ nét nhất là những HTX thành lập vội vàng để đáp ứng tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, một xã về đích nông thôn mới phải hoàn thành 19 tiêu chí, trong đó tiêu chí số 13 là phải có HTX và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm bền vững. Từ đó dẫn đến tình trạng, một số xã khi được chọn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đã nhanh chóng vận động người dân thành lập HTX. Từ sự “gượng ép” này dẫn đến HTX được “ra đời” theo kiểu hình thức, không phát huy được vai trò dẫn dắt, hỗ trợ nông dân đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất. HTX Nông nghiệp Nà Tu ở xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) là một ví dụ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chính quyền địa phương đã tuyên bố giải thể HTX Nông nghiệp Nà Tu nhưng không có bất cứ quyết định nào được thông qua. Hiện nay, hai khu nhà lưới của HTX được đầu tư theo chương trình hỗ trợ của Nhà nước nằm trơ trọi giữa cánh đồng làng và trở thành tài sản riêng của ông giám đốc HTX. Ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Cẩm Giàng thừa nhận: “Xã chúng tôi được tỉnh, huyện quan tâm nên đại hội thành lập HTX Nông nghiệp Nà Tu còn được chọn làm điểm của huyện Bạch Thông. Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi đạt nông thôn mới năm 2016 thì năm 2018 HTX cũng xin dừng, không hoạt động được”.
Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, địa phương đứng thứ 2 cả nước về số lượng HTX nông nghiệp, tỷ lệ HTX hình thức chiếm gần 1/2 trong tổng số hơn 900 HTX. Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu thực tế: “Chúng tôi phân loại ra có đến 295 HTX không đúng thành phần HTX. Tên như vậy nhưng hình thức là chính, gắn với tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới. Cho nên trong việc này, chúng ta phải quan tâm, không để méo mó, hình thức”.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khẳng định: “HTX nông nghiệp hiện nay chưa thu hút, hấp dẫn nông dân và đang đi ngược xu thế phát triển chung của thế giới. Đến giữa năm 2022, chỉ có khoảng 30% trong tổng số hơn 9 triệu hộ nông dân tham gia HTX.
Chúng tôi nhận thấy rằng, HTX nông nghiệp còn rất nhiều khó khăn trong công tác quản trị. Quy mô thì nhỏ, doanh thu lại thấp. Sở dĩ người dân còn thờ ơ, chưa quan tâm đến HTX suy cho cùng là do hiệu quả chưa tốt”. Còn chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng: “Người nông dân đang lúng túng trước 3 câu hỏi: Tôi vào HTX, tôi có được tiêu thụ nông sản giá cao hơn không và có bán được hết không? Trong quan hệ lợi ích của tôi với các bên tham gia của HTX có minh bạch không? Vào HTX, tôi có nhàn hơn không hay cường độ lao động của tôi vẫn như ngày xưa? Chính vì 3 yếu tố băn khoăn này mà nông dân còn e dè khi giơ tay biểu quyết tham gia HTX ở cơ sở”.
Càng hội nhập sâu rộng với thế giới càng cho thấy, kinh tế HTX là điểm tựa quan trọng để chúng ta tổ chức lại nền sản xuất truyền thống theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy cày”. Muốn cải thiện thu nhập, không còn cách nào khác nông dân phải hợp tác lại để “mua chung, bán chung, dùng chung”, tạo lập và phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao, có sản lượng đủ lớn để đàm phán giá bán với doanh nghiệp và cạnh tranh trên thị trường. Nếu hoạt động sai bản chất, áp đặt mệnh lệnh hành chính, “con tàu hợp tác” chẳng thể vươn ra biển lớn.