A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chăn nuôi an toàn đẩy lùi dịch bệnh

Chăn nuôi an toàn sinh học đang ngày càng được mở rộng tại các địa phương ở huyện Cư Kuin. Nhờ đó, rủi ro dịch bệnh trên đàn vật nuôi của người dân được giảm thiểu. 

Bảo vệ môi trường chăn nuôi

Hơn 10 năm làm kinh tế từ mô hình chăn nuôi lợn đực giống, trăn trở lớn nhất của ông Vũ Đình Vương (thôn 3, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) là vấn đề ô nhiễm môi trường, mùi hôi trong chăn nuôi gây ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, hàng xóm. Nhờ sự trợ giúp của ngành chức năng, chính quyền địa phương, ông đã chuyển sang nuôi lợn theo mô hình sinh học. Điều làm ông yên tâm nhất là thức ăn sinh học không chỉ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho lợn mà còn giảm thiểu mùi hôi thối.

Gia đình ông đang nuôi 6 con lợn đực giống để khai thác tinh phối nhân tạo, việc thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học giúp lợn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, hạn chế được dịch bệnh. Đặc biệt, lợn đực giống tốt sẽ truyền thông tin di truyền các tính trạng kinh tế (tăng trọng cao, sức đề kháng cao, tiêu tốn thức ăn thấp…) cho các thế hệ sau. Bởi vậy, việc chọn lựa con đực giống ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sản xuất và hiệu quả kinh tế lâu dài của người nuôi, nhất là trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp.

Thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi giúp giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho vật nuôi.

Là một trong những hộ có nhiều năm kinh nghiệm phát triển trang trại chăn nuôi gà, ông Phạm Việt Hoàn (thôn 7, xã Ea Hu) luôn coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Theo ông Hoàn, chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, gà rất dễ bị bệnh về đường hô hấp, đường ruột, tăng trọng thấp… Tuy nhiên, nếu tuân thủ theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học thì đàn gà có sức đề kháng tốt hơn, giảm tỷ lệ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, tỷ lệ nuôi sống cao hơn.

Trang trại của ông Hoàn đang nuôi gia công gần 15.000 con gà/lứa cho Công ty TNHH MTV Bình Minh. Để đáp ứng yêu cầu của đối tác, ông đã sử dụng men vi sinh làm chất độn dưới nền chuồng (còn gọi là đệm lót sinh học) giúp phân gà được phân hủy mà không gây mùi hôi. Việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi vừa giúp tiết kiệm sức lao động, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, chuồng trại được xây dựng thông thoáng và mái che được thiết kế cách nhiệt, giúp nhiệt độ trong chuồng luôn ổn định. Trang trại luôn tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng tiêu độc thường xuyên. “Trước đây, việc chăn thả diễn ra tự do, khó kiểm soát nên lượng chất thải được xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của mọi người. Từ khi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chất thải tập trung đúng nơi quy định, vừa không gây ô nhiễm, vừa có thêm nguồn phân gà phục vụ trồng trọt”, ông Hoàn cho hay.

Giải pháp hữu hiệu

Hiện nay, trên địa bàn huyện Cư Kuin có 91 trang trại đang áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Phương pháp này được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ đó, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, giúp đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Để chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, ngoài chất lượng con giống, thức ăn, các yếu tố về môi trường, quản lý dịch bệnh… việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học là rất cần thiết".

 

Ông Lê Văn Chín, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư Kuin

 

Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý, ngăn ngừa dịch bệnh, mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt theo hướng an toàn sinh học của hộ bà Nguyễn Thị Hạnh (thôn 12, xã Ea Ktur) đã hạn chế được một số bệnh thường xuyên xảy ra trên đàn gia cầm. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, tiêu chí hàng đầu của trang trại là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tất cả các phương tiện vận chuyển khi vào trại chăn nuôi đều phải đi qua hố khử trùng và được phun thuốc sát trùng. Mọi người trước khi vào khu chăn nuôi phải thay quần áo, giày dép và mặc quần áo bảo hộ để tránh tình trạng lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào trang trại.

Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất một tháng trước khi thả giống mới vào nuôi. “Thực hiện mô hình nuôi vịt siêu thịt theo hướng an toàn sinh học, vấn đề kiểm soát dịch bệnh, chăm sóc đàn vịt thuận lợi hơn rất nhiều. Mặt khác, quy trình chăn nuôi ít tốn công chăm sóc, như gia đình tôi không thuê nhân công vì tất cả vận hành theo hệ thống tự động. Đồng thời, khắc phục được các vấn đề về môi trường khi xây dựng xa khu dân cư và có khu vực biogas để xử lý chất thải”, bà Hạnh chia sẻ.

Mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt theo hướng an toàn sinh học của hộ bà Nguyễn Thị Hạnh (thôn 12, xã Ea Ktur) .

Ông Lê Văn Chín, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư Kuin cho biết, mặc dù phương thức chăn nuôi nông hộ vẫn còn phổ biến trên địa bàn huyện, nhưng chăn nuôi theo hướng an toàn đang được các hộ dân tích cực áp dụng và nhân rộng, nhất là trong bối cảnh chăn nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh như hiện nay. Thời gian tới, Trạm sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tạo đà phát triển chăn nuôi bền vững.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết