A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khánh Hoà: Mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao

Khánh Hoà hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, bảo vệ môi trường biển và hướng tới xuất khẩu thuỷ sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chiều 17/10, thông tin từ UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết, nhằm từng bước thực hiện mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành tỉnh phát triển kinh tế biển mạnh, bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị.

Khánh Hoà: Mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao
Chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật liệu truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu nhựa HDPE tại Khánh Hoà. Ảnh: Lê Sơn

Mục đích, xây dựng nghề nuôi biển tỉnh Khánh Hoà theo hướng tăng năng suất, giá trị ngành nuôi trồng thuỷ sản và nâng cao thu nhập của người dân nuôi biển thông qua việc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội, hướng tới xuất khẩu thuỷ sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3-6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế biển, vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ; bảo đảm giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển.

Khánh Hoà: Mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao
Hiện nay một số địa phương của tỉnh Khánh Hoà, các hộ dân vẫn sử dụng vật liệu truyền thống để nuôi tôm hùm. Ảnh: Lê Sơn

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hoà đã ban hành Văn bản số 11346/KH-UBND về việc triển khai mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao (chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật liệu truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu nhựa HDPE) trên địa bàn tỉnh theo 3 giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2029.

Cụ thể, giai đoạn 1 (từ nay – đến hết năm 2025), mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao với quy mô 30 ha (150 hộ), với tổng kinh phí dự kiến 75,32 tỷ đồng; Giai đoạn 2 (năm 2026 – 2027), mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao với quy mô 100 ha, với tổng kinh phí dự kiến 225 tỷ đồng và giai đoạn 3 (năm 2028 – 2029), lúc này sẽ mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao với quy mô 110 ha, với tổng kinh phí dự toán 245 tỷ đồng.

Về nguồn kinh phí để triển khai, tỉnh Khánh Hoà sẽ sử dụng từ các nguồn ngân sách Nhà nước cấp hàng năm; nguồn vốn lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch, dự án liên quan trên địa bàn đã được bố trí trong dự toán hàng năm của các cơ quan, đơn vị; nguồn vốn vay ưu đãi, vốn ODA; nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi; hoạt động chuyển đổi lồng truyền thống sang nuôi công nghệ cao và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.

Để triển khai kế hoạch kịp thời, hiệu quả, bám sát mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Khánh Hoà giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc; tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật