A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vẹn nguyên một màu hoa đỏ

Cát Tiên - vùng đất cổ bên dòng Đồng Nai thẫm đỏ phù sa một thời là đại bản doanh của Khu VI anh hùng. Ở đâu đó, chiến tranh có thể đã lùi xa, nhưng với người dân nơi đây, ký ức về một thời hào hùng, kiên trung và anh dũng vẫn còn vẹn nguyên như mới ngày hôm qua. 

 
 
Vào Nhà truyền thống, các em học sinh tỏ vẻ hào hứng, chăm chú nghe kể và ngắm nhìn những vật dụng được sử dụng trong thời kỳ chiến tranh
Vào Nhà truyền thống, các em học sinh tỏ vẻ hào hứng, chăm chú nghe kể và ngắm nhìn những vật dụng được sử dụng trong thời kỳ chiến tranh
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành lại độc lập, Cát Tiên là địa danh thuộc huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé cũ, vùng cửa ngõ của Chiến khu D kiên cường, sườn phía đông của chiến trường B2. 
 
Suốt những năm tháng chiến tranh, dưới sự bủa vây bom đạn của kẻ thù, nhưng những cánh rừng già Cát Tiên vẫn là nơi che giấu an toàn cho biết bao chiến sỹ, nhà hoạt động cách mạng trung dũng và kiên cường. Cũng dưới những cánh rừng nguyên sinh ấy, đã có biết bao câu chuyện thấm đẫm tình quân - dân được đắp xây lên bằng chính sự khai mở của con đường chiến lược Bắc - Nam đi qua vùng đất Cát Tiên. Và con đường ấy bây giờ đã lưu dấu chân của nhiều đồng chí lão thành cách mạng khi hành trình về Nam lãnh đạo các tầng lớp nhân dân kháng chiến. Minh chứng hào hùng ấy chính là lời nhắn nhủ của Đại tướng Mai Chí Thọ trong một lần về thăm lại chiến trường xưa: “Vùng đất này đã góp nhiều máu xương, công sức cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Không bao giờ được quên sự hy sinh của đồng bào Châu Mạ, Stiêng, Cờ Ho...”.
 
Như một kho sử đồ sộ, tái hiện lại gần như toàn bộ sự khốc liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam với tinh thần bất khuất, kiên trung của các chiến sĩ cách mạng, không gian Nhà truyền thống Khu VI được gói gọn trong diện tích khoảng 400 m2, với một gian trưng bày chỉ lưu giữ hơn 200 tư liệu, hình ảnh, hiện vật... Bước vào cánh cửa nhà truyền thống, chúng tôi như đang ngược dòng thời gian chạm vào quá khứ. Ấy là quá khứ của những ngày tháng gian khó, đau thương nhưng sâu thẳm bên trong những trái tim yêu nước ấy là sự bất khuất, kiên cường của thế hệ cha ông. 
 
Ngắm nhìn những kỷ vật nằm nguyên vẹn trong tủ, có lẽ với những người như tôi, khi được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, thật khó để diễn tả hết cảm xúc từ mỗi câu thơ, dòng văn viết vội qua cuốn nhật ký, trang thư tay... Và với thế hệ trẻ, những em học sinh còn cắp sách đến trường thêm yêu bộ môn Lịch sử hơn bởi em Trần Thị Mỹ Linh - Học sinh lớp 9A1, Trường THCS Đồng Nai không chỉ được biết đến quá trình dựng nước và giữ nước qua từng bài giảng mà những lần về nguồn đã khiến em thêm phần tự hào về lịch sử của dân tộc. Nhớ lại khoảng thời gian ngày đầu tiên đến với Khu VI, Linh vẫn không quên cảm xúc lúc ấy của em. “Bước vào gian phòng truyền thống, em và các bạn đều tập trung nhìn ngắm những vật dụng có ở bên trong từ những khẩu súng, chén bát… tất cả đều mới lạ. Nhưng rồi chúng em, ai cũng hãnh diện, tự hào khi được nghe cô hướng dẫn kể lại. Đối với em, khi được đến Khu VI thật sự em hiểu hơn về lịch sử của địa phương và từ đó có một niềm đam mê dành cho bộ môn Lịch sử”, Linh giãi bày.
 
Vẫn giữ được nét mộc mạc, đơn sơ của những ngôi nhà tại Quân ủy, Khu ủy
Vẫn giữ được nét mộc mạc, đơn sơ của những ngôi nhà tại Quân ủy, Khu ủy
 
Rời Nhà truyền thống, đoàn chúng tôi đi theo con đường nhỏ quanh co chạy dài vài cây số. Phía xa xa, những ngôi nhà tranh nhấp nhô dưới tán rừng già, ấy là khu vực Quân ủy và Khu ủy - nơi làm việc của các anh, các chú, các bác. Được phục dựng bằng những chất liệu mới nhưng trong mỗi nếp nhà ấy vẫn giữ lại nét nguyên sơ, mộc mạc, gần gũi, thân thương. Bởi, mười căn nhà ở đây đều gắn liền với những hoạt động, cột mốc lịch sử, chức vụ, nơi làm việc… của các vị lãnh đạo năm xưa. 
 
Trong căn nhà của Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng, em Nguyễn Huỳnh Ngọc Như - Học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu bùi ngùi: “Vào các đợt học ngoại khóa, chúng em được cô thầy dẫn vào đây để được nhìn lại những vật dụng, đến nơi làm việc của các chú, và cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của ông cha đi trước. Chúng em cũng bắt đầu hiểu hơn khi được cô Tổng phụ trách đội tổ chức Cuộc thi Thiếu nhi các dân tộc hát Quốc ca tại địa chỉ đỏ với chủ đề “Em yêu Tổ quốc Việt Nam” tại Khu VI. Thực sự em rất tự hào khi em được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cát Tiên”.
 
Không chỉ được biết đến là Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia, Khu VI dần trở thành “địa chỉ đỏ” thu hút du khách thập phương đến tham quan, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên, các đồng chí lão thành cách mạng và thân nhân các liệt sỹ… Chị Nguyễn Thị Hồng Anh - Bí thư Huyện đoàn Cát Tiên tự hào nói: Thế hệ trẻ Cát Tiên luôn tự hào và biết ơn những cống hiến mồ hôi, xương máu của cha ông trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Để tỏ lòng tri ân sâu sắc, những năm qua, tuổi trẻ Cát Tiên đã có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về nguồn. Đặc biệt, phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” với dấu ấn trong phong trào xây dựng nông thôn mới, vận động hàng nghìn lượt đoàn viên, thanh niên dọn vệ sinh môi trường; trồng cây và tổ chức các đợt về nguồn, giới thiệu điểm đến Khu VI cho các đơn vị bạn trong và ngoài tỉnh như một “địa chỉ đỏ” tại đây.
 
Dẫu biết rằng quê hương còn đó nhiều khó khăn, nhưng để Khu VI trở thành một trong những điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên Nguyễn Hoàng Phúc bảo rằng, chính quyền địa phương cũng đang có định hướng xây dựng, phát triển tuyến du lịch, vừa kết hợp với Vườn Quốc gia Cát Tiên hình thành du lịch sinh thái, vừa nghiên cứu lịch sử tại Khu VI. Tuy nhiên, đến nay, địa phương vẫn còn gặp khó khăn về vốn đầu tư nên chưa thể triển khai đồng bộ. “Tại Khu VI, để khai thác hiệu quả trong tương lai, UBND huyện sẽ có định hướng chỉ đạo các xã, thị trấn sản xuất một số sản phẩm đặc trưng của Cát Tiên được chứng nhận OCOP để phục vụ khách du lịch, kết hợp với đó xây dựng du lịch cộng đồng như phục dựng nhà dài, hình thành đội cồng chiêng, trải nghiệm cắm trại, dã ngoại… Cùng với đó, huyện sẽ có đề nghị với UBND tỉnh đưa du lịch Cát Tiên vào bản đồ du lịch của tỉnh, với mục đích giới thiệu tour tuyến từ TP Hồ Chí Minh lên Đà Lạt và quay lại Mađagui, sau đó vào Cát Tiên và về lại Bình Phước, Bình Dương, nhằm mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch địa phương”, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên chia sẻ.

Tác giả: HOÀNG MINH ÁNH
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết