“Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đối với lực lượng Công an nhân dân”
Đây là chủ đề của Hội thảo khoa học do Bộ Công an tổ chức sáng 7-6, tại Hà Nội. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Bộ Công an và trực tuyến tới điểm cầu Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo.
Hội thảo là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Hội thảo thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, các đồng chí lãnh đạo, những người làm công tác thi đua, khen thưởng.
Ban tổ chức đã nhận được 134 bài tham luận với nhiều chủ đề, nội dung phong phú, đa dạng, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đối với từng đơn vị, địa phương. Các bài viết đã tập trung nghiên cứu về những vấn đề về lý luận trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; quán triệt tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lực lượng Công an nhân dân...
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo. |
Báo cáo đề dẫn hội thảo nhấn mạnh, sinh thời, khi nói về thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ mà nhân dân lao động làm chủ nước nhà, thì mới có phong trào thi đua”.
Người luôn hết sức coi trọng khơi dậy, phát động phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên và quân chúng nhân dân. Người coi đây là một trong những biện pháp căn bản để tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Người xác định: “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực... Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Người cũng khẳng định “thi đua là động lực của sự phát triển” nhưng ngược lại, theo Người, thi đua cũng rất đơn giản, “công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua” và “người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua”...
Với lực lượng Công an nhân dân, thấm nhuần tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, toàn lực lượng luôn coi trọng công tác thi đua - khen thưởng. Vận dụng tư tưởng của Người vào thực tiễn, Bộ Công an đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, lấy nhiệm vụ chính trị làm nội dung thi đua hướng vào giải quyết các công việc trọng tâm, cấp bách, các nhiệm vụ cam go, phức tạp, góp phần tạo động lực to lớn, cổ vũ, động viên cản bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cùng quân và dân cả nước làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
Quang cảnh hội thảo. |
Từ những phong trào thi đua như: “Vì an ninh Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân, vì thống nhất đất nước”; “Vì an ninh Tổ quốc, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”; “Lập công bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ sự nghiệp thống nhất đất nước”... đã tập hợp, động viên cán bộ, chiến sĩ hăng hái ra sức thi đua thực hiện các nhiệm vụ được giao, vừa hỗ trợ, chi viện cho tiền tuyến, vừa quyết tâm bảo vệ trị an, phòng gian bảo mật, mang lại hiệu quả cao trong công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng.
Bước vào thời kỳ đổi mới, nhằm tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, các chương trình hành động cách mạng cụ thể, phong trào thi đua yêu nước trong lực lượng Công an nhân dân được phát triển rộng khắp.
Phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” được triển khai xuyên suốt, nhiều phong trào thi đua sôi nổi được triển khai đồng bộ, thống nhất, toàn diện đến tận cơ sở, như phong trào: “Học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân vì nhân dân phục vụ”... đã khơi dậy được tiềm năng và sức mạnh của toàn lực lượng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Tham luận tại hội thảo, GS, TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 11-6-1948 là một trong những văn kiện chính trị nổi bật, cụ thể hóa đường lối, phương châm của Đảng và của Bác Hồ “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi”, “Vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, “Toàn dân kháng chiến”, “Toàn diện kháng chiến”. Mở đầu là “Lời kêu gọi”, kết thúc là hành động “Tiến lên”. Đó là tính nhất quán từ tư tưởng đến hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
GS, TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tham luận. |
Theo GS, TS Hoàng Chí Bảo, 3/4 thế kỷ trôi qua kể từ khi Bác Hồ ra lời kêu gọi “Thi đua ái quốc”, Người không chỉ giáo dục, nâng cao nhận thức lý luận về thi đua cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà Người còn công phu gây dựng phong trào, lựa chọn cán bộ chỉ đạo với những chỉ dẫn ân cần, thiết thực và cũng hết sức sâu sắc, thâm thúy. Người gửi hàng trăm, hàng nghìn thư khen đồng bào, chiến sĩ, từ cụ già, tới em nhỏ, thanh niên trai và gái, ở đồng bằng và miền núi, ở nông thôn và mặt trận.
Đặc biệt là, Người lại suốt đời nêu gương, làm gương để mọi người noi theo, làm theo. Bản thân Người, chỉ tính riêng gần 10 năm cuối đời (1960 - 1969) đã thực hiện 700 lần đi cơ sở, nhất là đến với bà con nông dân ở nông thôn; cũng như những năm cuối đời, Người chăm chú chỉ đạo Cuộc vận động “Người tốt, việc tốt”, tặng hàng nghìn huy hiệu cho những cá nhân, tập thể điển hình tiêu biểu, để lại cho đời câu danh ngôn “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.
“Đó thực sự là ngọn lửa sáng mãi soi đường cho “Thi đua ái quốc” của chúng ta từ hôm qua đến hôm nay và mãi mãi về sau, làm cho dân tộc Việt Nam bước lên đài vinh quang sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, GS, TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.