A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Áp lực tăng giá

“Do mưa rét và giá xăng dầu tăng nên mỗi mớ rau muống, rau mồng tơi tăng 2.000 đồng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Giá rau cải cũng tăng thêm 1.000 đồng...”.

Chị bán rau ở chợ Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã giải thích với tôi như vậy. Không chỉ rau xanh mà giá nhiều loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác cũng đã tăng theo giá xăng dầu.

Ngày hôm qua (28-2), Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2022 tăng 1% so với tháng 1-2022, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12-2021. CPI bình quân hai tháng đầu năm 2022 tăng 1,68% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là những con số đã được dự báo trước, khi tháng 2 trùng với Tết Nguyên đán và giá xăng dầu tăng khá mạnh theo giá nhiên liệu thế giới. Thế nhưng với nhiều người, đây là con số đáng lo ngại bởi hai tháng đầu năm ngoái, CPI bình quân không tăng, thậm chí còn giảm 0,14% so với cùng kỳ năm 2020.

Ảnh minh họa / TTXVN 

Dự báo, tại kỳ điều hành tới (ngày 3-3), giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng theo xu thế của giá năng lượng thế giới. Áp lực tăng giá đang gia tăng.

Cuối tuần qua, Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã có cuộc họp xác định những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong công tác điều hành giá 10 tháng còn lại của năm 2022. Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh đến áp lực tăng giá từ giá xăng dầu thế giới, từ áp lực lạm phát của các nước và yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục theo dõi chặt chẽ để có giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp về chính sách tiền tệ, ổn định lãi suất, tăng trưởng tín dụng, điều hành tỷ giá linh hoạt để bảo đảm vốn cho nền kinh tế và các hoạt động thương mại quốc tế, xuất nhập khẩu...

Được biết, trước áp lực tăng giá, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng 3 kịch bản điều hành giá. Tuy nhiên, các kịch bản này chủ yếu xây dựng theo giá dầu thô (dưới 100USD/thùng). Hiện nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100USD/thùng và các dự đoán giá xăng dầu còn tiếp tục tăng thêm. Vì vậy rất cần thêm kịch bản để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Để giảm áp lực tăng giá, bên cạnh việc bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, điều hành, kiểm soát giá theo đúng quy định của pháp luật về giá, bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm việc “té nước theo mưa” giá các mặt hàng tiêu dùng theo giá xăng dầu. Người tiêu dùng cũng không "tiếp tay" cho các hành vi tăng giá tùy tiện của người bán hàng thiếu lương tâm bằng cách tẩy chay hàng hóa của họ. Các địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, lưu thông hàng hóa, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm. Cả xã hội cùng chung tay, góp sức, chắc chắn áp lực tăng giá sẽ giảm bớt.


Tác giả: HOÀNG MINH ÁNH
Tags: qdnd
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết