A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo chí hiện đại cần tích hợp hiệu quả truyền thông xã hội

Sáng 31-8, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) tổ chức Hội thảo truyền thông đại chúng với hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Ngọc Linh, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Vusta đã hình thành hệ thống tổ chức 2 cấp theo đúng tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16-4-2010 của Bộ Chính trị khóa X.

Đến nay, Vusta đã trở thành tổ chức chính trị-xã hội rộng lớn cả về quy mô và chất lượng. Vusta đã chủ động đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước nhiều vấn đề lớn về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức.

Ông Phạm Ngọc Linh, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại hội thảo. 

Hệ thống báo chí của Vusta hiện nay có 70 cơ quan báo chí. Số lượng báo chí tuy nhiều nhưng việc truyền tải thông tin về Vusta hiện vẫn chưa thực sự hiệu quả và chưa phát huy được thế mạnh vốn có. Vusta chưa sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm hướng đến nhóm công chúng lớn, cũng như đề ra các giải pháp nhằm đưa hình ảnh của Vusta đến gần với công chúng hơn.

Nói về truyền thông xã hội, ông Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Kinh tế và Ðô thị cho rằng, truyền thông xã hội dựa trên nền tảng là các dịch vụ trực tuyến, các tin tức có thể được trao đổi giữa hai hoặc nhiều cá nhân và được lưu truyền một cách chóng mặt trên "không gian ảo".

Xét từ giác độ nội dung, bản chất của truyền thông xã hội là mối liên hệ cá nhân mang tính bình đẳng trong quá trình kết nối và truyền tải tin tức. Đây là sự khác biệt rõ nét giữa truyền thông xã hội với các phương tiện truyền thông truyền thống - nơi các cơ quan báo chí truyền thông chuyên nghiệp giữ vai trò là hạt nhân kết nối truyền thông và đưa tin.

Toàn cảnh hội thảo. 

Trong truyền thông chính trị, truyền thông xã hội đã và đang tạo ra một cuộc chơi mới khiến các cơ quan quản lý phải thay đổi nhận thức, để vừa định hướng dư luận, nhưng vừa có thể giữ chân công chúng của mình. Với khả năng đưa tin, chia sẻ, thu hút, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, về mặt này, truyền thông xã hội có lợi thế hơn báo chí truyền thống, tuy nhiên, báo chí vẫn có chỗ đứng vững chắc và quan trọng của mình trong "trận địa" thông tin mở như hiện nay, nếu duy trì được chất lượng, coi nội dung là "vua", công nghệ là "nữ hoàng", đồng thời kết hợp được những ưu việt mà truyền thông xã hội đem lại, từ đó tăng cường sức mạnh cũng như tăng giá trị cho báo chí truyền thống.

Ông Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh, truyền thông xã hội là một nguồn tham khảo - công cụ thu thập và thẩm định thông tin, liên lạc với nguồn tin… Trong sự vận động và phát triển của báo chí hiện đại, việc sử dụng và tích hợp truyền thông xã hội vào hoạt động truyền thông chính trị và quảng bá thương hiệu cho tổ chức là một trong những xu hướng phát triển không thể bỏ qua.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật