A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm xóa nhà tạm

Với quyết tâm chính trị cùng sự huy động của mọi nguồn lực, đến nay Thái Nguyên đã hoàn thành 100% mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn tỉnh.

Ngày 11/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, chủ trì Phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo.

Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước diễn ra sáng 11/5 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước diễn ra sáng 11/5 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng khẳng định: Với quyết tâm chính trị cao nhất cùng sự huy động của mọi nguồn lực, đến nay Thái Nguyên đã hoàn thành 100% mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn tỉnh.

Theo Bí thư Trịnh Việt Hùng, kết quả này có được nhờ sự huy động đồng bộ các nguồn lực từ ngân sách tỉnh, tổ chức xã hội, cộng đồng, gia đình và dòng họ. Nhiều căn nhà mới được xây dựng với kinh phí cao, chất lượng tốt, góp phần cải thiện điều kiện sống cho hàng nghìn hộ dân.

Việc tổ chức thực hiện bài bản, chặt chẽ là một điểm nổi bật ở Thái Nguyên, theo đó các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trực tiếp kiểm tra, rà soát, ghi nhận, cập nhật tiến độ và chỉ bàn giao nhà khi đã hoàn thiện biên bản nghiệm thu.

Phiên họp được kết nối trực tuyến đến trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phiên họp được kết nối trực tuyến đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đáng chú ý, trong quá trình hỗ trợ, tỉnh đã hỗ trợ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo, những người dân trước đó không đủ điều kiện pháp lý do chưa nhận thức rõ vai trò của giấy tờ sở hữu.

Tuy nhiên, theo Bí thư Trịnh Việt Hùng, có tình trạng, các hộ nghèo, cận nghèo, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số khi có xây nhà mới ở có giá trị và giấy chứng nhận thì có ý định và có hộ đã làm, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà cho người khác.

"Tỉnh đã lường trước tình huống này và chỉ đạo các cấp chính quyền rà soát, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các hộ dân về các chủ trương, chính sách giảm nghèo, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại hoặc sử dụng sai mục đích các nguồn hỗ trợ", ông Trịnh Việt Hùng nói.

Một thách thức khác được lãnh đạo tỉnh nêu rõ là tình trạng sinh nhiều con trong các hộ dân tộc thiểu số vốn là nguyên nhân sâu xa khiến nhiều hộ nghèo dễ rơi vào vòng xoáy tái nghèo.

Hiện tỉnh Thái Nguyên đang phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể để đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền dân số và giảm nghèo bền vững, đảm bảo các thành quả từ chương trình.

Sau gần 1 năm triển khai quyết liệt, toàn tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 1.838 hộ dân, đạt 100% kế hoạch, về đích sớm hơn 8 tháng so với thời hạn Chính phủ giao.

Trong đó, có 1.221 căn nhà được xây mới, 617 căn nhà được sửa chữa, cải tạo. Tổng kinh phí thực hiện là gần 195 tỷ đồng, trong đó hơn 80% nguồn lực được huy động từ xã hội hóa, thể hiện sức mạnh tổng hợp và trách nhiệm cộng đồng cao độ.

Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ tại địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã chuyển phần kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 còn lại về Trung ương để hỗ trợ các địa phương khác xóa nhà tạm, nhà dột nát, với số tiền 45,6 tỷ đồng.

Đồng thời tích cực tham gia ủng hộ các tỉnh, thành phố trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát (hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn 3 tỷ đồng, tỉnh Hòa Bình 2 tỷ đồng).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật