Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Sáng 27-12, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận những nỗ lực của ngành trong suốt lịch sử hình thành, phát triển của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Theo Phó thủ tướng, làm công tác chăm sóc người có công là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là tâm thế tri ân, nghĩa tình của dân tộc Việt Nam. Làm về thị trường lao động, đào tạo nghề là thực hiện phần việc quan trọng như đúc kết của cha ông “nghệ phải tinh”. Ngành LĐ-TB&XH cũng hết sức cố gắng trong việc xây dựng thị trường và quan hệ lao động hài hòa, vừa phù hợp với điều kiện của Việt Nam vừa tiệm cận với thông lệ quốc tế. Xây dựng được chính sách tiền lương tối thiểu là phần việc mang ý nghĩa rất quan trọng, ghi nhận bước phát triển vượt bậc của thị trường lao động Việt Nam. Về chính sách an sinh xã hội, ngành LĐ-TB&XH quan tâm những công dân thiệt thòi nhất trong xã hội, giúp họ được thụ hưởng chính sách tốt nhất.
Phó thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TỐNG GIÁP |
Về phương hướng năm 2025, Phó thủ tướng nhấn mạnh có 3 sự kiện phải làm cùng lúc: Sắp xếp, tổ chức bộ máy; Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc; duy trì, tăng trưởng kinh tế trên 7% tạo đà cho những năm sau. Ngoài ra, tất cả chính sách thuộc các lĩnh vực Bộ LĐ-TB&XH đang trực tiếp tham mưu cho Đảng và Nhà nước về người có công, an sinh xã hội, lao động việc làm, hoàn toàn không thay đổi, mà phải làm tốt hơn, làm nhiều hơn phục vụ nhu cầu của đất nước.
Phó thủ tướng Lê Thành Long mong cán bộ, nhân viên trong ngành vững tâm, thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát huy truyền thống đã đạt được trong những năm vừa qua, "để các việc chúng ta đã và đang làm tiếp tục được nhân rộng và phát huy, đạt thành tựu cao hơn nữa trong những năm tới".
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TỐNG GIÁP |
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ-TB&XH tự hào về những dấu ấn tạo lập được trên hành trình xây dựng, hoàn thiện chính sách xã hội của Việt Nam. Nhìn lại năm 2024 và chặng đường gần 79 năm qua, ngành LĐ-TB&XH đã đạt được nhiều điểm nhấn quan trọng. Ngành ý thức rất sâu sắc trách nhiệm của mình, gần 80 năm từ 2 bộ đầu tiên trong Chính phủ, trải qua 4 lần sáp nhập, các nhiệm vụ xuyên suốt luôn là việc làm, an sinh xã hội, bồi đắp dần và phát triển như hiện nay đó là cả dòng chảy. Những kết quả này không chỉ được lãnh đạo Nhà nước, người dân ghi nhận mà còn giúp Việt Nam trở thành một điển hình ấn tượng với cả thế giới.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TỐNG GIÁP |
Theo Bộ trưởng, những công việc mà ngành đạt được trong thời gian vừa qua, đặc biệt những vấn đề mang tính thể chế, là những chính sách mà ngành đã tham mưu đặt nền móng cho đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đặc biệt là Nghị quyết số 42 về tầm nhìn của chính sách xã hội, chuyển từ “ổn định và đảm bảo” sang “ổn định và phát triển”; chú trọng và thực hiện tốt chính sách ưu đãi, tôn vinh đối với người có công với cách mạng; mức chuẩn trợ cấp tăng từ 1.318.000 đồng năm 2015 lên 2.789.000 đồng năm 2024, tăng gấp 2,1 lần (trong đó, năm 2024 tăng 35,7% so với năm 2023, cao nhất từ trước đến nay). Công tác giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tích cực, Việt Nam là quốc gia đi đầu trong giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, là thành viên sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo.
HÀ VŨ