A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch Quốc hội: Có thể miễn học phí cho hệ dân lập, tư thục

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tinh giản bộ máy mới có nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực để đảm bảo quốc phòng an ninh...

Đồng tình cao với chủ trương sáp nhập

Chiều 18/4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã có buổi tiếp xúc với cử tri tại Trung tâm hành chính thành phố Vị Thanh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri

Cơ bản thống nhất với các báo cáo, cử tri Hậu Giang cho biết đồng tình cao với chủ trương sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp trung gian (cấp huyện) và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã.

Điều này không chỉ giúp tinh gọn tổ chức bộ máy mà còn thúc đẩy phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương phát huy vai trò chủ động trong quản lý, điều hành.

Đồng thời, hướng tới xây dựng một hệ thống chính trị gọn nhẹ, vận hành thông suốt, bảo đảm tính nhất quán trong chỉ đạo, điều hành, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Điều này cũng phù hợp với xu hướng cải cách hành chính của nhiều quốc gia trên thế giới.

Cử tri vô cùng phấn khởi, bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo thành công cuộc cách mạng tinh giản bộ máy của hệ thống chính trị. Qua đó, tạo động lực để phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, cử tri Hậu Giang mong muốn sớm giải quyết chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức xin nghỉ hưu sớm và nghỉ thôi việc để ổn định đời sống kinh tế cá nhân, tìm một công việc khác phù hợp, đảm bảo cuộc sống gia đình và đảm bảo tính đoàn kết, thống nhất cao để phát triển kinh tế, xã hội chung.

Mặt khác, tạo điều kiện về chế độ nhà ở công vụ cho những cán bộ công chức đi làm xa (sau khi hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh) để cán bộ công chức an tâm công tác.

Khi tiến hành sắp xếp bộ máy sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động bán chuyên trách ở xã và thôn, tổ dân phố hiện nay. Do đó cần có phương án giải quyết chế độ chính sách cho phù hợp.

Cử tri cũng kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư cho công tác cải cách hành chính, trung tâm điều hành thông minh, hạ tầng thông tin, đơn giản hóa các thủ tục hành chính… để người dân, cơ quan và doanh nghiệp dễ triển khai sau khi thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

Tinh gọn bộ máy tạo không gian phát triển

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc sớm vào ngày 05/5 và được tổ chức thành 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 5/5 - 28/5 (làm việc 2 ngày thứ Bảy); đợt 2 từ ngày 11/6 đến hết ngày 30/6.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV
Buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, khối lượng công việc phải xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9 là rất lớn, lớn nhất so với các kỳ họp trước đây, để quyết định các vấn đề mang tính lịch sử.

Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến thông qua 33 luật, trên 20 nghị quyết. Trong đó, việc quan trọng nhất là sửa đổi một số điều của Hiến pháp 2013 để phục vụ cho cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và sửa Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc lấy ý kiến nhân dân về sửa Hiến pháp sẽ diễn ra trong vòng 1 tháng từ ngày 6/5 - 5/6 (tổng hợp ý kiến trong 5 ngày). Nếu nhân dân đồng ý thì Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết để thông qua Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Sau khi Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua thì sẽ kết thúc hoạt động cấp huyện. Về cấp tỉnh, sau sáp nhập 63 tỉnh, thành phố sẽ còn lại 34 tỉnh, thành phố; đối với cấp xã cũng sẽ giảm từ 60 - 70% trên tổng số hơn 10 nghìn xã.

“Đây là cuộc cách mạng lớn chưa từng có. Để làm sao mục tiêu thứ nhất là giảm bộ máy, đảm bảo mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; thứ hai là giảm biên chế; thứ ba là tạo không gian phát triển; thứ tư là để gần dân, sát dân, tạo thuận lợi hơn cho người dân. Tinh giản bộ máy mới có nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực để đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ,

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, ngày 28/2/2025, Bộ Chính trị đã quyết định miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến hết THPT công lập trên toàn quốc cũng chính từ nguồn tinh gọn tổ chức bộ máy biên chế. Thời điểm thực hiện bắt đầu từ năm học 2025 - 2026. Hiện nay, Bộ Chính trị cũng đang cho ý kiến xem xét có thể mở rộng miễn học phí cho hệ giáo dục dân lập, tư thục.

Tuy nhiên, giai đoạn 2 của cuộc cách mạng về sắp xếp tinh gọn bộ máy còn rất nhiều khó khăn, nhiều vấn đề phải giải quyết, trong đó có việc bố trí, sắp xếp cán bộ, xử lý tài sản, trụ sở dôi dư như một số ý kiến cử tri đề cập.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Hậu Giang cần chủ động thực hiện các nhiệm vụ về sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm giữ chân người tài, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người bị tác động, ảnh hưởng. Đồng thời, chủ động phương án quản lý, sử dụng, xử lý tài sản, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, dứt khoát không để trụ sở bỏ hoang, bỏ trống, lãng phí, tiêu cực.

“Trụ sở dôi dư ưu tiên số một là nâng cấp, sửa chữa, mở rộng trường học cho các em học sinh; thứ hai là trung tâm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; thứ ba là trụ sở để cho nhân dân có nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội mong nhân dân, cử tri sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ chủ trương lớn về sắp xếp tinh gọn bộ máy bởi mục tiêu cuối cùng của Đảng, Nhà nước ta là phải lo tốt hơn cho nhân dân về đời sống vật chất, tinh thần.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật